Triển vọng tích cực
Trong báo cáo vừa phát hành hôm 9/1 của VinaCapital, chuyên gia của công ty quản lý quỹ này đã đưa ra nhận định triển vọng tích cực của ngành Ngân hàng trong năm 2025.
Theo VinaCapital, cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng 40% trong VN-Index (VNI) và trong năm 2024 giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng vượt trội so với VNI (18 ngân hàng niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM tăng 26% tính theo đồng nội tệ, so với VNI chỉ tăng 12%). VinaCapital tin rằng giá cổ phiếu ngành ngân hàng năm 2025 sẽ tiếp tục tăng tốt nhờ tăng trưởng lợi nhuận mạnh hơn (từ 14% năm ngoái lên 17% năm nay) nhất là khi các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam dịch chuyển từ xuất khẩu và du lịch vào năm 2024 sang tiêu dùng, hạ tầng và bất động sản vào năm 2025.
Bên cạnh đó thì mức định giá hấp dẫn (hệ số P/B dự phóng năm 2025 hiện ở mức 1,3 lần ứng với tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) dự phóng 16%) cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy giá cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu của các ngân hàng tại Việt Nam có sự phân hóa đáng kể, tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà quản lý quỹ chủ động đạt lợi nhuận vượt trội hơn so với thị trường chứng khoán nói chung.
“Sự phân hóa này phản ánh những khác biệt tương đối lớn trong chiến lược kinh doanh, khẩu vị rủi ro và định giá của mỗi ngân hàng. ..”- Chuyên gia VinaCapital nhận định.
Cũng trong bản phân tích này, VinaCapital đã nêu lên quan điểm hiện tại của các Nhà quản lý danh mục đầu tư và Nhóm nghiên cứu của VinaCapital trong việc lựa chọn cổ phiếu ngân hàng, cũng như chia sẻ thêm việc lựa chọn này đã được định hướng ra sao dựa trên kỳ vọng của quỹ đầu tư này về triển vọng của nền kinh tế trong nước.
“Nói một cách ngắn gọn, chúng tôi dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm nay sẽ chậm lại, nhưng bù lại tăng trưởng của các yếu tố trong nước như đầu tư hạ tầng, bất động sản và tiêu dùng sẽ cải thiện. Tăng trưởng xuất khẩu chậm lại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP vì xuất khẩu chiếm gần 100% GDP, tuy nhiên, phần lớn xuất khẩu của Việt Nam là nhờ các công ty FDI mà các công ty này lại không thực sự đi vay nhiều từ các ngân hàng trong nước. Như vậy nghĩa là tăng trưởng xuất khẩu chậm lại sẽ không gây ảnh hưởng quá nhiều tới các ngân hàng trong nước. Hơn nữa, các ngân hàng vẫn sẽ là bên hưởng lợi từ sự chuyển dịch sang tăng trưởng GDP nhờ vào các yếu tố nội tại nêu trên…”- Chuyên gia VinaCapital phân tích.
Hai lý do được đưa ra là: Các ngân hàng Việt Nam tài trợ gần như tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế trong nước; Và các ngân hàng cũng cho vay nhiều đối với bất động sản và tiêu dùng, những lĩnh vực được cho là sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2025.
“Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có những biện pháp cụ thể để thúc đẩy thị trường bất động sản, nhờ đó dự kiến tăng trưởng cho vay mua nhà có thể tăng gấp đôi từ khoảng 10% năm ngoái lên gần 20% năm nay. ..”- Chuyên gia VinaCapital bày tỏ.
Đồng thời cho rằng, thị trường bất động sản phục hồi cũng sẽ thúc đẩy niềm tin tiêu dùng từ đó kéo theo các mảng cho vay tiêu dùng có biên lãi ròng cao như cho vay mua ô tô và mua sắm trả góp.
“Niềm tin của người tiêu dùng tại Việt Nam đã giảm nhiều trong suốt năm 2023 và nửa đầu năm 2024, nhưng đã bắt đầu phục hồi từ giữa năm 2024. Sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ tiếp tục cải thiện tâm lý tiêu dùng và thúc đẩy cho vay tiêu dùng…”- VinaCapital nhận định.
Với việc Chính phủ dự định sẽ hỗ trợ tăng trưởng GDP năm nay bằng cách đẩy mạnh đầu tư công, chuyên gia VinaCapital cho rằng nhờ đó kỳ vọng sẽ mở rộng thêm cơ hội cho vay cho các ngân hàng.
“Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà chúng tôi rút ra từ tất cả các phân tích trên đó là tổng hòa của việc đẩy mạnh đầu tư công, bất động sản và tiêu dùng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, củng cố biên lãi ròng (NIM) và cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng…”- Báo cáo nhấn mạnh.
Cải thiện chất lượng tài sản và cơ cấu cho vay
VinaCapital kỳ vọng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng 17% trong năm nay, nhờ vào tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 15% và NIM tăng nhẹ (tăng 6 điểm cơ bản so với năm ngoái lên 355 điểm cơ bản). Việc chất lượng tài sản tiếp tục phục hồi, cũng như những cải thiện trong cơ cấu cho vay cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của ngành.
“Chúng tôi sẽ phân tích cả hai vấn đề này cũng như mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng, NIM và chất lượng tài sản dưới đây. Ví dụ, năm ngoái do nhu cầu vay mua nhà còn yếu nên các ngân hàng phải chuyển hướng sang đẩy mạnh tăng cho vay doanh nghiệp tới gần 20%, nhưng phần lớn các khoản cho vay doanh nghiệp mới này có kỳ hạn ngắn với lãi suất thấp do cạnh tranh cao nên đã gây áp lực lên NIM trong cả năm 2024.
Chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống sẽ duy trì ở mức khoảng 15% trong năm 2025, trong đó tăng trưởng cho vay phân khúc khách hàng cá nhân vốn có biên lợi nhuận cao dự kiến sẽ tăng tốc từ khoảng 12% năm ngoái lên 15% năm nay.
Chúng tôi cũng kỳ vọng năm nay các ngân hàng sẽ cho vay dài hạn nhiều hơn thông qua việc cho vay các dự án hạ tầng vốn có kỳ hạn dài. Việc mở rộng sang cho vay dài hạn này sẽ hỗ trợ NIM, do ngân hàng thường thu được chênh lệch lãi suất từ việc huy động ngắn hạn và cho vay dài hạn với lãi suất cao hơn (dù vậy, một số ngân hàng khi mở rộng cho vay dài hạn cũng sẽ cần tăng cường huy động dài hạn để đối ứng khiến ảnh hưởng đến chi phí huy động)…”- Báo cáo phân tích
Đồng thời cho rằng, cho vay kinh doanh bất động sản dự kiến sẽ tiếp tục dẫn dắt nhất là khi thị trường tiếp tục phục hồi, mặc dù một phần tăng trưởng này cũng chính là để tái tài trợ cho các khoản trái phiếu đến hạn (mà trước đây các trái phiếu này đã được các công ty bất động sản phát hành cho các nhà đầu tư cá nhân và các nhà đầu tư khác ngoài ngân hàng).