Năm 2024, cả nước có 42.002 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 502,8 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt gần 322,5 tỷ USD, tương đương 64,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tổng vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần và phần vốn góp đạt gần 38,23 tỷ USD. Trong đó, nhiều dự án lớn sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng như bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử được đầu tư mới và mở rộng vốn.
Bất động sản công nghiệp hưởng lợi
Bình luận về dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong năm vừa qua, ông Thomas Rooney, Phó Giám đốc Bộ phận dịch vụ bất động sản công nghiệp Savills Hà Nội cho biết, Việt Nam đang trở thành điểm đến chiến lược cho các tập đoàn công nghệ lớn nhờ vị trí địa lý thuận lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Làn sóng đầu tư vào các dự án công nghệ cao và các trung tâm nghiên cứu phát triển thúc đẩy nhu cầu về hạ tầng, nhà xưởng, tạo đà tăng trưởng cho thị trường bất động sản công nghiệp.
Cụ thể, tổng diện tích đất công nghiệp quốc gia đạt hơn 38.200 ha từ 203 khu công nghiệp đang hoạt động, tăng 5% so với năm 2023.
Việt Nam sở hữu vị trí thuận lợi, gần thung lũng Silicon của Trung Quốc (Quảng Châu – Thâm Quyến – Đông Hoàn). Từ đó, Việt Nam phù hợp cho chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc (chiến lược Trung Quốc +1) của các công ty lớn trong việc giảm rủi ro về địa chính trị.
Cơ sở hạ tầng vững mạnh và các chính sách giao thông tiếp tục nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Với 7% GDP được phân bổ cho các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, sân bay quốc tế Long Thành và các cảng nước sâu như Cái Mép ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Việt Nam có thể kết nối trực tiếp với châu Âu, châu Mỹ và Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, ông Thomas cho rằng, nguồn nhân lực dồi dào, chính sách hỗ trợ cho các dự án công nghệ cao và hạ tầng ngày càng hoàn thiện cũng góp phần thu hút các nhà đầu tư quốc tế, thúc đẩy Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao.
Chưa hết, gần đây, thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ và NVIDIA, tập đoàn hàng đầu thế giới về AI và bán dẫn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng, tạo cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm R&D về AI hàng đầu châu Á. Việc xây dựng trung tâm R&D của NVIDIA tại Việt Nam, cùng với chiến lược phát triển nguồn nhân lực và chính sách hỗ trợ của Chính phủ, hứa hẹn mang lại giá trị gia tăng cao hơn, thu hút đầu tư và thúc đẩy các ngành công nghệ mũi nhọn.
“NVIDIA xây dựng trung tâm R&D tại Việt Nam sẽ thúc đẩy nhu cầu phát triển khu công nghệ cao, gia tăng giá trị bất động sản công nghiệp và thu hút thêm dòng vốn từ các nhà đầu tư công nghệ lớn. Điều này không chỉ nâng tầm các khu công nghiệp mà còn mở rộng cơ hội phát triển hạ tầng hiện đại và các ngành dịch vụ hỗ trợ”, ông nói.
Ngành bán dẫn nổi bật trong nhóm sản xuất công nghệ cao
Theo ông Thomas, ngành công nghiệp bán dẫn, đạt doanh thu 18,2 tỷ USD vào năm 2024, là một lĩnh vực nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
“Dự đoán năm 2025-2026, chất bán dẫn vẫn là một chủ đề nóng. Trong đó, Việt Nam đang tận dụng tối đa các lợi thế sẵn có, đồng thời tạo ra những điều kiện thuận lợi để gia tăng sức hút đối với các nhà đầu tư”, ông cho hay.
Ông Thomas đánh giá, một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam nổi bật trong ngành công nghiệp bán dẫn là nguồn tài nguyên đất hiếm dồi dào, đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc về sản lượng. Đây chính là nguồn nguyên liệu cơ bản cho ngành điện tử và sản xuất chip bán dẫn, mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển bền vững của ngành tại Việt Nam.
Đặc biệt, Chính phủ đang có nhiều chính sách thuận lợi để phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam. Chất lượng nguồn nhân lực cho ngành này đang không ngừng được cải thiện. Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Thường vụ Quốc hội cũng thông qua việc thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho các dự án công nghệ cao, nhằm ổn định môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Đồng thời, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng đến đảm bảo năng lượng bền vững. Các địa phương và ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao đã cam kết đảm bảo cung cấp đầy đủ điện, nước để hỗ trợ nhu cầu của các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn.
“Với những lợi thế nêu trên cùng nỗ lực định hướng và phát triển của Chính phủ, bất động sản công nghiệp tại Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn. Nổi bật là các nhà xưởng, nhà kho xây sẵn của các nhà phát triển lớn trong ngành như Frasers, Logos và IDEC, đáp ứng đầy đủ yêu cầu khắt khe của ngành bán dẫn, với cơ sở hạ tầng hiện đại và hệ thống an toàn cháy nổ. Các nhà dự án sở hữu vị trí chiến lược, gần các sân bay quốc tế, giúp các nhà đầu tư dễ dàng vận chuyển và giao thương”, ông nhận xét.
Chia sẻ thêm, vị chuyên gia nhấn mạnh, để đón nhận sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, các khu công nghiệp mới phải được xây dựng theo mô hình xanh, cùng với đó, các khu công nghiệp hiện hữu có cũng cần phải nâng cấp hạ tầng.