Chi tiết

Nvidia đang “bình dân hóa” AI toàn cầu?

Jensen Huang tại triển lãm công nghệ CES Las Vegas (Ảnh Citynews)
Jensen Huang, CEO Nvidia tại triển lãm công nghệ CES Las Vegas (Ảnh Citynews)

Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) trong 2 năm nay đã mang đến cho gã khổng lồ công nghệ Nvidia vị thế gần như độc tôn trong phân khúc sản xuất dòng chip chuyên biệt cho AI.

Nếu nhìn dưới góc độ sản phẩm và thị trường thì Nvidia đã đứng trên tất cả khi tạo ra con chip mang tên “Hopper” gây sốt toàn bộ giới công nghệ hiện đại. Toàn bộ sản phẩm này chỉ có trọng lượng vài gram nhưng giá bán từ 20.000 – 40.000 đô la Mỹ một đơn vị.

Microsoft đã mua 485.000 chip “Hopper”, tiếp sau là Meta với 224.000 chip, Amazon và Google mua lần lượt 196.000 và 169.000 đơn vị. Theo ước tính, các công ty công nghệ trên thế giới đã đầu tư 229 tỷ đô la Mỹ cho máy chủ AI năm 2024.

Phần lớn dòng tiền trên chảy vào công ty của Jensen Huang. Những con chip AI đã giúp Nvidia tăng gấp ba doanh số hằng quý từ khi cơn sốt AI bùng nổ cuối năm 2022.

Cứ trung bình 2 năm, Nvidia tung ra sản phẩm mới, sau “Hopper” là “Blackwell”. Thời điểm công bố sản phẩm mới dường như được “thiết kế” từ trước, luôn luôn tạo ra doanh số và doanh thu khủng khiếp.

Đầu tháng 3/2022, “Hopper” ra đời trong bối cảnh nhiều công ty công nghệ lớn gặp khủng hoảng, rất ít ai nói đến AI! Nhưng tháng 11 cùng năm, OpenAI tung ra ChatGPT, lập tức xuất hiện cuộc đua trang bị hệ thống máy chủ để “huấn luyện” các dạng thức AI.

Sau ChatGPT là ChatSpot, Bing Chat, Bard, Jasper Chat, Perplexity, đến Anthropic… đua nhau xuất hiện. Đi cùng với đó là nhiều mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), cùng với hàng loạt trung tâm dữ liệu lớn hoạt động 24/24 để xây dựng những “bộ óc nhân tạo” – sắp tới đây sẽ khiến con người choáng ngợp trước sự “thông minh” của nó.

Tại triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới (CES) ở Las Vegas mới đây, CEO Nvidia Jensen Huang đã được chào đón như một ngôi sao nhạc rock. Ông đã lấp đầy một khán phòng khổng lồ 12.000 chỗ ngồi, gợi nhớ đến cách Steve Jobs giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện của Apple.

Siêu máy tính trị giá 3000 đô la Mỹ của Nvidia (Ảnh CNBC)
Siêu máy tính trị giá 3.000 đô la Mỹ của Nvidia (Ảnh CNBC)

Jensen Huang kết thúc buổi thuyết trình bằng một thủ thuật giống như Apple: tiết lộ sản phẩm mới. “Đây là một siêu máy tính AI – Tất cả phần mềm của Nvidia đều chạy trên máy này”, Huang nói.

Sản phẩm có hình khối lập phương này mang tên “Project Digits”, chạy trên một bộ đơn vị xử lý đồ họa Blackwell, hiện đang cung cấp năng lượng cho các cụm máy chủ AI tiên tiến nhất.

Project Digits mang sứ mệnh khác, không nhắm đến người tiêu dùng phổ thông. Thay vào đó, nó nhắm đến các nhà nghiên cứu máy học, các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn và các trường đại học muốn phát triển AI tiên tiến nhưng không có hàng tỷ USD để xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn.

Dường như ngược lại với thực tế của ngành công nghiệp AI, cần nhiều tiền, nhiều dữ liệu, nhiều chất xám, Jensen Huang đã trấn an khách hàng: “Có một lỗ hổng lớn đối với các nhà khoa học dữ liệu, bạn không nhất thiết đầu tư nguồn lực quá lớn, bạn chỉ cần phát triển các phiên bản đầu tiên của mô hình và lặp lại liên tục”.

Đây là cách giới thiệu để cuối cùng đưa ra mức giá cho “Project Digits” là 3.000 đô la Mỹ, bắt đầu phân phối từ tháng 5/2025. Nhà phân tích Ben Reitzes của Melius Research đã nói rằng: “Thật đáng sợ khi thấy Nvidia tung ra một sản phẩm tốt như vậy với mức giá quá thấp”.

David Bader, Giám đốc Viện Khoa học dữ liệu tại New Jersey nhận xét: Với 3.000 đô la Mỹ, người dùng sớm có được một sản phẩm mà họ có thể cắm vào ổ cắm điện tiêu chuẩn trong nhà hoặc văn phòng của mình. Máy tính này dường như có thể xử lý đủ dữ liệu và thông tin để đào tạo các mô hình lớn nhất và tiên tiến nhất.

Nguồn