Cuối tuần ngày 12-1, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 84,8 triệu đồng/lượng, bán ra 86,8 triệu đồng/lượng, tăng 1,1 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước. Đây là tuần tăng thứ 3 liên tiếp của giá vàng miếng, lên tổng cộng gần 3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng cũng đang ở mức cao nhất trong hơn 2 tháng qua.
Do giá vàng biến động mạnh nên có sự cách biệt giữa các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp giao dịch vàng miếng ở mức thấp hơn, như Công ty Mi Hồng bán ra khoảng 86,3 triệu đồng/lượng; Eximbank, ACB bán ra khoảng 86,2 đến 86,5 triệu đồng/lượng…
Cùng với vàng miếng, giá vàng nhẫn và vàng trang sức các loại cũng tăng vọt. Cuối tuần, giá vàng nhẫn được các doanh nghiệp niêm yết mua vào khoảng 84,8 triệu đồng/lượng, bán ra 86,6 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 1,3 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước.
Giá vàng nhẫn cũng tăng lên mức cao nhất trong nhiều tuần qua, đồng thời tiến sát giá vàng miếng SJC.
Giá vàng trong nước đi lên theo đà biến động của thế giới, thậm chí còn tăng nhanh hơn thế giới. Trên thị trường quốc tế, kim loại quý đóng cửa tuần giao dịch ở mức 2.691 USD/ounce, tăng hơn 50 USD/ounce so với cuối tuần trước (tương đương mức tăng khoảng 1,5 triệu đồng/lượng).
Giá vàng thế giới tăng cùng nhịp với chỉ số đồng USD trên thị trường quốc tế, trong bối cảnh nhà đầu tư tìm đến vàng như kênh trú ẩn an toàn, nhất là trong giai đoạn thị trường chờ đợi Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chính thức vào Nhà Trắng từ ngày 20-1 tới.
Kết quả khảo sát về diễn biến của các kim loại quý năm 2025 của Kitco cho thấy các nhà đầu tư kỳ vọng giá vàng sẽ tăng tiếp. Theo đó, có 208 nhà đầu tư tham gia trả lời trong đó hơn 51% ý kiến kỳ vọng giá vàng tiếp tục tỏa sáng trong năm nay.
Ông Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, cho biết dù giá vàng đã thiết lập mức cao kỷ lục trong năm 2024, nhưng có thể tăng tiếp hướng tới mốc 3.000 USD/ounce trong năm 2025 (tăng thêm khoảng 13% so với hiện tại).
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 82,8 triệu đồng/lượng.