Thị trường bất động sản (BĐS) 2024 dù đã có sự phục hồi nhất định nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo. Năm 2025, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, các quy định pháp luật liên quan tới thị trường BĐS dần được hiện thực hóa và đi vào đời sống.
Bên cạnh các tác động tích cực, sẽ có những quy định gây hoang mang, lo lắng cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, với sự theo dõi ngày càng sát sao từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, khả năng cao sẽ có sự cân đối, điều chỉnh đảm bảo tính hài hòa và phù hợp.
Thị trường bất động sản 2025 sẽ theo đà để mạnh dạn tiến vào chu kỳ mới, bất chấp một số khó khăn, trở ngại còn “sốt” lại. Nhiệt thị trường sẽ tỏa dần và đều hơn giữa các khu vực. Trong đó, khu vực miền Bắc vẫn tiếp tục sức nóng, khu vực miền Nam sẽ có dấu hiệu tăng nhiệt rõ rệt.
VARS cho biết, căn hộ chung cư chủ yếu là phân khúc cao cấp, tiếp tục dẫn dắt thị trường. Loại hình biệt thự, liền kề dần trở thành tâm điểm thị trường. Nhất là các dự án thuộc các đại đô thị tiếp tục tạo chú ý với tiêu chuẩn hoàn thiện ngày càng ấn tượng, cùng với đó là mức giá bán cũng “neo” ở tầm cao.
Đất nền đã tách thửa, có pháp lý chuẩn chỉ tại các khu vực có hạ tầng phát triển, tiềm năng cao, vẫn là phân khúc được nhiều người sẵn sàng “xuống tiền”.
Phân khúc BĐS nghỉ dưỡng có thêm tín hiệu tích cực, đặc biệt là sản phẩm condotel khi bắt đầu có các dự án đang hoạt động được cấp số.
Phân khúc BĐS công nghiệp vốn đã sáng lại càng sáng hơn trước các tín hiệu tích cực đến từ kết quả phục hồi của nền kinh tế, cũng như những cơ hội mở ra từ nhiều “đại bàng” trên thế giới với quyết định chọn Việt Nam là “bến đỗ”.
Các chuyên gia của VARS dự báo, thanh khoản thị trường bất động sản vẫn tập trung tại các khu vực có nguồn cung mới nhiều và đa dạng, các tỉnh, thành phố có tốc độ đô thị hóa cao. Các hoạt động giám sát, điều tiết của cơ quan quản lý Nhà nước sẽ chặt chẽ hơn để đảm bảo thị trường phát triển đúng quỹ đạo.
Nguồn cung được dự báo tăng ở các phân khúc
Trong khi đó, theo DKRA Consulting, năm 2025 được kỳ vọng là năm phục hồi của thị trường BĐS, nguồn cung tăng ở hầu hết các phân khúc và khu vực nhờ động lực từ chính sách pháp lý và hạ tầng giao thông.
Cụ thể, phân khúc đất nền: Nguồn cung đất nền dự kiến tăng, dao động ở mức 3.000-3.500 nền, tập trung chủ yếu tại Bình Dương, Đồng Nai và Long An – các địa phương hưởng lợi lớn từ các dự án hạ tầng trọng điểm như đường Vành đai 3, Vành đai 4 và sân bay Long Thành. Các khu vực khác như TP.HCM, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn duy trì tình trạng khan hiếm.
Giá sơ cấp có thể tăng nhẹ và vẫn neo ở mức cao do áp lực chi phí đầu vào, trong khi giao dịch thứ cấp được kỳ vọng duy trì đà hồi phục, tập trung ở nhóm sản phẩm minh bạch pháp lý, chủ đầu tư uy tín và đa dạng tiện ích nội, ngoại khu.
Phân khúc căn hộ: Nguồn cung dự kiến dao động từ 13.000-15.000 căn, tập trung tại hai thị trường là TP.HCM và Bình Dương. Căn hộ hạng A tại TP.HCM được dự báo sẽ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt thị trường, tập trung tại khu Đông; căn hộ hạng B và hạng C chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung mới tại Bình Dương và các tỉnh giáp ranh còn lại.
Phân khúc nhà phố, biệt thự: Nguồn cung mới dự kiến tăng tích cực so với năm trước, dao động từ 3.000-3.500 căn, tập trung tại Đồng Nai, Long An và Bình Dương – những khu vực có quỹ đất lớn và kết nối thuận tiện với TP.HCM.
Mặt bằng giá sơ cấp dự kiến tăng nhẹ so với năm 2024 do áp lực của các loại chi phí đầu vào. Các dự án được hoàn thiện pháp lý, đảm bảo tiến độ thi công và có liên kết vùng thuận tiện sẽ là điểm sáng trong thanh khoản.
Phân khúc BĐS nghỉ dưỡng: Nguồn cung mới có sự tăng nhẹ so với cùng kỳ, dự kiến dao động trong khoảng 2.500-3.000 căn condotel; 1.000-1.500 căn biệt thự nghỉ dưỡng và 1.500-2.000 căn nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng được đưa ra thị trường.
Sức cầu thị trường có thể tăng nhẹ so với năm 2024 nhưng khó có đột biến trong những tháng đầu năm 2025. Mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục tăng và neo ở mức cao do chi phí đầu vào tăng mạnh. Các chính sách chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc… sẽ tiếp tục được áp dụng rộng rãi trong năm 2025.