Chi tiết

Đông Nam Á đối mặt áp lực mở rộng chuỗi cung ứng lưới điện

dsadsadsad.png
Đông Nam Á cần đẩy mạnh sản xuất phần cứng truyền tải nhằm góp phần giải quyết các rủi ro an ninh năng lượng quốc gia.

Vào tháng 6/2024, Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) đã công bố báo cáo về các cơ hội trong chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Báo cáo nhấn mạnh tiềm năng các quốc gia trong việc mở rộng trọng tâm vượt ra ngoài sản xuất tấm pin mặt trời và tuabin gió khi phát triển các ngành công nghiệp chuyển đổi năng lượng. Báo cáo khuyến khích việc áp dụng một loạt công nghệ và dịch vụ rộng hơn để cung cấp điện sạch một cách hiệu quả cho lưới điện.

Tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các quốc gia ngày càng muốn thâm nhập vào thị trường công nghệ xanh. Mục tiêu này thúc đẩy việc phát triển chính sách nội địa hóa nhằm thu hút vốn, đẩy mạnh phát triển sở hữu trí tuệ và tạo việc làm trong nước.

Tấm pin mặt trời và tua bin gió là những sản phẩm dễ nhận biết nhất của quá trình chuyển đổi năng lượng; và các chính sách của chính phủ thường tập trung vào việc khuyến khích hoặc thậm chí là bắt buộc, tăng cường sản xuất các thành phần này trong nước.

Tuy nhiên, các yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa quá cao có thể cản trở sự phát triển của các ngành công nghiệp này, đặc biệt khi nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm đó chưa đủ lớn. Việc chỉ tập trung vào các thành phần công nghệ năng lượng cụ thể có thể làm phân tán sự chú ý khỏi các cơ hội sản xuất nội địa khác có lợi hơn.

Theo các chuyên gia, việc phát triển các dự án cung cấp năng lượng tích hợp hoàn toàn vào lưới điện đòi hỏi một loạt vật liệu, linh kiện và dịch vụ đi kèm, vượt xa việc chỉ sản xuất tấm pin mặt trời hoặc tuabin gió.

Như ông Grand Hauber, Cố vấn tài chính năng lượng chiến lược khu vực Châu Á tại IEEFA đánh giá, các yếu tố “cân bằng hệ thống” này có thể chiếm từ 55 đến 80% tổng chi phí đầu tư của một dự án năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió, đồng thời trở thành những lĩnh vực hấp dẫn để thúc đẩy nội địa hóa.

Trên toàn cầu, các quốc gia cần khẩn trương giải quyết thách thức kết nối các nguồn phát điện mới, dù là năng lượng mặt trời, gió, hạt nhân hay nhiên liệu hóa thạch với khách hàng trong một thế giới đang nhanh chóng điện khí hóa.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế chỉ ra rằng thế giới có khoảng cách đầu tư lưới điện là 320 tỷ đô la Mỹ cho đến năm 2030. Điều này tạo ra rào cản đáng kể để đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của các nước.

Mặc dù nhu cầu đang dần trở nên cấp thiết, ông Hauber cho rằng, quá trình hiện đại hóa và xây dựng lưới điện trong khu vực vẫn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu ngày càng gia tăng, do tình trạng hạn chế tiếp cận các thiết bị lưới điện quan trọng.

Máy biến áp cao thế, thiết bị đóng cắt, hệ thống bảo vệ mạch điện và hệ thống cáp là những thiết bị thiết yếu để duy trì và nâng cấp cơ sở hạ tầng lưới điện nhưng đang rơi vào tình trạng thiếu hụt.

Trong khi đó, các báo cáo gần đây của ngành năng lượng toàn cầu cho thấy Hitachi, nhà sản xuất hệ thống máy biến áp lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng tồn đọng sản xuất đáng kể. Số đơn đặt hàng thiết bị của công ty hiện kéo dài tới 130 tuần đối với máy biến áp cỡ vừa và gần bốn năm đối với các thiết bị được sử dụng trong các trạm biến áp của các công ty điện lực.

untitled.jpg
Với ASEAN, việc bản địa hóa và mở rộng chuỗi cung ứng cho các thành phần lưới điện có thể rất quan trọng.

Trong khi đó, ngành công nghiệp của Trung Quốc sản xuất đầy đủ các thành phần của hệ thống truyền tải và phân phối điện, nhưng phần lớn năng lực sản xuất này đã chuyển trọng tâm sang phục vụ nhu cầu trong nước.

Trong một thế giới mà việc tối đa hóa điện khí hóa là giải pháp để giảm tác động đến môi trường; đồng thời tăng cường sự phát triển kinh tế, việc sản xuất các thành phần hệ thống lưới điện mang đến một cơ hội đầu tư hấp dẫn với nhu cầu bền vững.

Đối với các nền kinh tế tăng trưởng cao của ASEAN, việc bản địa hóa và mở rộng chuỗi cung ứng cho các thành phần lưới điện có thể rất quan trọng. Điều này không chỉ tăng cường an ninh năng lượng, độ tin cậy và tính khả dụng mà còn đảm bảo phục hồi nhanh hơn sau các thảm họa thiên nhiên, một yếu tố quan trọng trong một thế giới ngày càng biến động về khí hậu.

Hiện tại, quá trình chuyển đổi năng lượng không bị hạn chế bởi việc thiếu các tấm pin mặt trời hoặc tua bin gió. Thách thức cấp bách hơn nằm ở tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng lưới điện và thiết bị hệ thống truyền tải thiết yếu, gây ra mối đe dọa đáng kể đối với cả tăng trưởng kinh tế và tính bền vững.

Hầu hết các nước ASEAN đều tụt hậu đáng kể trong việc hiện đại hóa, củng cố và phát triển lưới điện. Ngay cả khi các kế hoạch mở rộng lưới điện được đưa ra, các quốc gia phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về vật liệu và thiết bị cho lưới điện với phần còn lại của thế giới. Sự cạnh tranh toàn cầu này có thể làm chậm trễ các mục tiêu mở rộng năng lực lưới điện trong khu vực.

Các quốc gia ASEAN đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng công nghiệp nên xem xét chuỗi cung ứng thiết bị và dịch vụ hệ thống truyền tải. Ngành này mang lại triển vọng hấp dẫn, có thể cạnh tranh với các khoản đầu tư hiện tại vào các hệ thống công nghệ xanh.

Sản xuất phần cứng truyền tải đòi hỏi thời gian, quy mô và cơ sở hạ tầng. Phát triển hệ sinh thái các thành phần thiết bị truyền tải quan trọng của các nhà cung cấp có trụ sở tại ASEAN sẽ là trọng tâm của đầu tư trong nước.

Điều này sẽ giải quyết các rủi ro về an ninh năng lượng quốc gia hơn là cố gắng cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường tấm pin mặt trời bị hạn chế về lợi nhuận. Việc đầu tư vào chuỗi cung ứng hệ thống truyền tải là một cơ hội kinh doanh dài hạn đáng kể cho doanh nghiệp tại ASEAN.

Nguồn