Khoảng 47,5 tỷ USD từ các thương vụ IPO có thể đổ vào thị trường trong 3 năm tới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.266,78 điểm, tăng 12,11% so với cuối năm 2023. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết trên HOSE đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 14,3% so với kết thúc năm 2023.
Tình hình giao dịch cổ phiếu trên HOSE ghi nhận mức tăng trưởng khá, tổng khối lượng giao dịch chứng khoán trong năm 2024 đạt hơn 195 tỷ chứng khoán với khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 781,84 triệu chứng khoán/ngày (tăng 0,83% so với cùng kỳ năm 2023), tổng giá trị giao dịch đạt gần 4,6 triệu tỷ đồng với giá trị giao dịch bình quân 18.685 tỷ đồng/ngày (tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023).
Giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024 chiếm tỉ trọng gần 8,09% về khối lượng và 10,38% về giá trị giao dịch. Trong năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 90.311 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cả năm 2024, chỉ có một thương vụ IPO (chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng) thành công của Công ty chứng khoán DNSE.
Ghi nhận trên thị trường tư vấn IPO/Niêm yết cho thấy rõ bức tranh ảm đảm khi số lượng thương vụ IPO/niêm yết trong vài năm qua gần như vắng bóng. Điều này làm giảm sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam khi không có “hàng hoá mới chất lượng” lên sàn.
Nhìn lại giai đoạn 2006-2007, hàng loạt doanh nghiệp đình đám “đổ bộ” lên sàn đã đưa chỉ số VN-Index vượt đỉnh, giúp nhà đầu tư kiếm tiền rất tốt khi vào đúng sóng. Chỉ trong 2 năm, HoSE đón thêm hơn 100 cổ phiếu mới với hàng loạt “tên tuổi” như VIC, FPT, BMP, PVD, BVS, Khoáng sản Bình Định (BMC), Sudico (SJS), DHG, STB, SSI,…
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư Dragon Capital chia sẻ trong sự kiện Investor Day 2025 kỳ vọng làn sóng IPO tiếp theo có thể xuất hiện vào năm 2027-2028, ước tính khoảng 47,5 tỷ USD có thể “đổ bộ” vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong đó, 12,8 tỷ USD kỳ vọng đến từ mảng tiêu dùng với loạt tên tuổi lớn như Thaco Auto, Bách Hoá Xanh, Golden Gate và Highlands Coffee.
Quy mô niêm yết mới trong mảng dịch vụ tài chính cũng được dự báo đạt 5 tỷ USD với TCBS và VPS.
Ngoài ra còn chờ đón nhiều doanh nghiệp lớn trong mảng công nghệ và dịch vụ IT với Viettel IDC, Công nghệ VNG, Misa, VNPay (4,7 tỷ USD); mảng khách sạn với thương vụ niêm yết của Vinpearl (2 tỷ USD); chăm sóc sức khoẻ với Nhà thuốc Long Châu, Xuyên Á (1,9 tỷ USD) và lĩnh vực giải trí Datviet Vac, Galaxy media (0,8 tỷ USD).
Song song với IPO, thì các thương vụ chuyển sàn “khủng long” Upcom lên sàn HOSE cũng rất được chờ đón như gần nhất trong tháng 1 có BSR, chờ đợi thêm ACV, MCH với tổng quy mô khoảng 20 tỷ USD.
Không chỉ có các thương vụ IPO lớn, chuyên gia cho rằng “game” chuyển sàn từ UPCoM lên HOSE của nhiều ông lớn như ACV, BSR, MCH với tổng quy mô khoảng 20 tỷ USD.
Theo chuyên gia Dragon Capital, Việt Nam sẽ bước vào chu kỳ mới tăng trưởng trong 5 năm tới khi (1) Việt Nam bước vào kỷ nguyên tăng trưởng và đổi mới chính trị; (2) Một chu kỳ đầu tư mạnh mẽ đang dần hiện hữu; (3) Thị trường Việt Nam là cơ hội đầu tư tốt nhờ sự kết hợp giữa tiềm năng tăng trưởng và định giá hấp dẫn.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/ky-vong-no-nhieu-bom-tan-ipo-475-ty-usd-se-do-vao-thi-truong-khoan-post361769.html