Chi tiết

Nhà đầu tư đứng ngoài thị trường, giao dịch ảm đạm trong phiên 14/1

(ĐTCK) Thêm một phiên giao dịch đáng thất vọng của thị trường, với thanh khoản lùi về mức rất thấp khi nhà đầu tư gần như không tìm thấy điểm tựa nào để tham gia vào lúc nào.

Sau phiên sáng nhạt nhòa và chỉ số VN-Index về gần với cận dưới của vùng hỗ trợ gần nhất 1.230-1.235 điểm, thị trường bước vào phiên chiều tiếp diễn sự ảm đạm, trong khi đó, nhà đầu tư cũng tranh thủ bán khá nhiều số cổ phiếu nhỏ, trong khi một số bluechip nới đà giảm đã khiến chỉ số tiếp tục hạ độ cao, nhưng không quá xa so với mốc 1.230 điểm.

Giao dịch sau đó giằng co nhẹ quanh ngưỡng điểm này cho đến khi đóng cửa, thanh khoản toàn sàn HOSE chỉ hơn 8.500 tỷ đồng.

Đóng cửa, sàn HOSE có 112 mã tăng và 268 mã giảm, VN-Index giảm 6,58 điểm (-0,53%), xuống 1.229,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 374,5 triệu đơn vị, giá trị 8.528,7 tỷ đồng, giảm 28% về khối lượng và 30% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 52,2 triệu đơn vị, giá trị 1.396,4 tỷ đồng.

Một số bluechip gây sức ép lớn hơn trong phiên chiều nay, cụ thể như FPT -1,7% xuống 145.100 đồng, CTG -2% xuống 36.950 đồng, MSN -2% xuống 63.700 đồng, HDB -2,5% xuống 21.150 đồng, VRE -3,6% xuống 16.100 đồng.

Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu BVH và PLX nỗ lực gánh vác, nhưng cũng chỉ có được mức tăng trên dưới 2,5% lên 50.600 đồng và 39.700 đồng.

Nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ tăng điểm không khác nhiều so với cuối phiên sáng, khi chỉ lác đác vài cái tên đáng nhắc đến nhờ mức tăng khá cùng thanh khoản tương đối cao, chẳng hạn như CIG +5,5% lên 8.850 đồng, khớp 0,53 triệu đơn vị; CNG +4,2% lên 32.600 đồng, khớp 0,69 triệu đơn vị; VGC +3,5% lên 49.150 đồng, khớp 1,98 triệu đơn vị…

Trái lại, QCG bị bán khá mạnh và có thời điểm giảm sàn, trước khi đóng cửa còn -6,5% xuống 10.000 đồng, khớp 1,01 triệu đơn vị; YEG -5,1% xuống 14.950 đồng. Các cổ phiếu VND, HVN, GMD, BMP, BCG, DXS, APG, HAP giảm từ 2,5% đến hơn 4%.

Đáng chú ý khác là cổ phiếu NVL, khi vươn lên trở thành cổ phiếu khớp lệnh cao nhất sàn với 16,2 triệu đơn vị, nhưng giá cổ phiếu lao dốc mạnh, mất 5,7% xuống 8.950 đồng, ghi nhận cây nến đỏ thứ tư liên tiếp.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index nới thêm đà giảm trong phiên chiều, nhưng mức giảm cũng không quá lớn do lực cung giá thấp được tiết chế.

Đóng cửa, sàn HNX có 45 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index giảm 1,35 điểm (-0,61%), xuống 218,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30,5 triệu đơn vị, giá trị 456,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,38 triệu đơn vị, giá trị 18 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn như KSV, IDC, PVS, HUT, PVI, SHS, NTP, CEO đều chìm trong sắc đỏ, dù may mắn chỉ giảm nhẹ. Trong đó, SHS và CEO khớp lệnh dẫn đầu sàn khi có hơn 4,38 triệu và 2,62 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau những nhịp giằng co đã bật lên ở những phút cuối và đóng cửa không cách quá xa tham chiếu.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,11%), xuống 92,12 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,4 triệu đơn vị, giá trị 250,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 5,2 triệu đơn vị, giá trị 68,5 tỷ đồng.

Tương tự cuối phiên sáng, khi khá nhiều cổ phiếu thanh khoản cao đều tăng, dù mức tăng chỉ khiêm tốn, như BGE, VGT, DDV, HNG chỉ nhích hơn 1%, OIL tăng hơn 2%, SBS tăng hơn 4%, khớp từ 0,37 triệu đến hơn 5,3 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai VN30 đều giảm. Trong đó, VN30F2501 đáo hạn vào thứ Năm tới đây đã giảm 8,3 điểm, tương đương -0,64% xuống 1.291,2 điểm, khớp lệnh hơn 191.200 đơn vị, khối lượng mở hơn 48.200 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ lan rộng, với CMBB2406 thanh khoản cao nhất với 2,89 triệu đơn vị và giảm 2% xuống 480 đồng/cq. Theo sau là CVPB2407 với 2,15 triệu đơn vị và giảm 10% xuống 270 đồng/cq.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/nha-dau-tu-dung-ngoai-thi-truong-giao-dich-am-dam-trong-phien-141-post361770.html