Chi tiết

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đối mặt thách thức kép

pboc.jpg
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm lãi suất và hỗ trợ các ngân hàng trong năm 2025

Tăng mức độ hỗ trợ nền kinh tế

Trong buổi họp báo ngày 14/1, các quan chức của PBoC cho biết họ sẽ tăng cường các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bao gồm việc giảm lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng. Những biện pháp này nhằm tăng tính thanh khoản trong hệ thống tài chính và tạo động lực cho các hoạt động kinh tế.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh ngân hàng trung ương nước này phải đối mặt với các mục tiêu chính sách, bao gồm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định giá cả, và bảo vệ đồng nhân dân tệ giữa những áp lực từ nguy cơ suy thoái kinh tế và căng thẳng thương mại với Mỹ.

PBoC đã cam kết bảo vệ giá trị của đồng nhân dân tệ trước áp lực suy yếu, đồng thời cảnh báo về nguy cơ thị trường trái phiếu trở nên quá nóng do các nhà đầu tư chuyển hướng vào tài sản an toàn. Trong một tuyên bố, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết họ sẽ hợp tác chặt chẽ với PBoC để cải thiện hiệu quả của các công cụ chính sách tiền tệ và tăng cường các cơ chế ổn định thị trường.

Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những vấn đề cơ cấu kéo dài, bao gồm nhu cầu tiêu dùng yếu và sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản. Tình trạng này khiến các nhà hoạch định chính sách phải đưa ra các giải pháp linh hoạt, nhưng điều chỉnh chính sách trở nên khó khăn hơn bởi những yếu tố thị trường bất lợi.

Số liệu cho thấy tăng trưởng tín dụng ngân hàng trong tháng 12 tiếp tục ở mức thấp. Theo Capital Economics, nhu cầu tiêu dùng yếu sẽ giữ tín dụng tăng trưởng chậm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát thấp khiến việc giảm lãi suất khó có tác dụng nhanh chóng, trong khi giá tài sản suy giảm có thể tiếp tục làm yếu cầu tiêu dùng và đầu tư tư nhân.

usvscn.jpg
PBoC đang đứng trước bài toán khó: vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo ổn định giá cả và thị trường tài chính trước sức ép bên ngoài (Ảnh: Nikkei Asia)

Áp lực lên đồng Nhân dân tệ

Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,6% trong tháng này. Sự sụt giảm lợi suất này mở rộng khoảng cách với lợi suất trái phiếu Mỹ, khiến đồng nhân dân tệ chịu thêm áp lực từ sự tăng giá mạnh của đồng USD.

Phó Thống đốc PBoC, ông Xuan Changneng, nhấn mạnh trong buổi họp báo rằng ngân hàng trung ương quyết tâm ổn định đồng nhân dân tệ và xử lý các hành vi làm méo mó thị trường. Một số biện pháp đã được áp dụng, bao gồm việc thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày mạnh hơn để điều chỉnh biến động.

Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất có thể làm gia tăng áp lực lên đồng nhân dân tệ, điều mà các nhà kinh tế lo ngại sẽ tạo thêm khó khăn cho PBoC trong việc cân bằng các mục tiêu chính sách.

PBoC đang đứng trước bài toán khó khi vừa phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo ổn định giá cả và thị trường tài chính. Ngoài ra, họ còn phải đối phó với sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư và các đợt bán tháo mạnh vào đầu năm nay. Điều này càng làm tăng áp lực lên chính sách.

Một rào cản khác là việc giảm lãi suất sẽ làm thu hẹp biên lợi nhuận vốn đã mỏng của các ngân hàng thương mại. Điều này khiến PBoC có xu hướng thận trọng, tránh các đợt cắt giảm lãi suất lớn để bảo tồn dư địa chính sách trong tương lai.

Dù vậy, nhiều nhà kinh tế vẫn kỳ vọng rằng PBoC sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm nay. Đây là lần đầu tiên sau 14 năm, Trung Quốc áp dụng chính sách tiền tệ “tương đối nới lỏng.”

Các nhà phân tích của Nomura dự đoán PBoC có thể thực hiện một đợt giảm tỷ lệ RRR trong ngắn hạn để bơm thanh khoản vào hệ thống. Điều này đặc biệt cần thiết khi có gần 995 tỷ nhân dân tệ vay trung hạn đã đến hạn vào ngày 15/1/2025, các khoản thuế cũng phải thanh toán cùng ngày, và nhu cầu tiền mặt tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, PBoC có thể sẽ tiếp tục theo dõi sát sao các diễn biến kinh tế và thị trường toàn cầu, đặc biệt là những tác động từ căng thẳng thương mại với Mỹ. Mối lo ngại về khả năng tăng thuế quan từ phía Mỹ đang tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế Trung Quốc, buộc các nhà hoạch định chính sách phải tìm cách giảm thiểu rủi ro từ bên ngoài.

Nguồn