Cuộc đua hồi sinh kinh tế giữa các cường quốc
Những mục tiêu tham vọng này có mối liên kết chặt chẽ với nhau, nhằm hướng tới điều mà thị trường tài chính mong đợi đó là tăng trưởng đi đôi với sự ổn định.
Hiện cả Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều đang theo đuổi mục tiêu hồi sinh kinh tế. Nhưng liệu ba nền kinh tế lớn này có thể cùng đạt được sự vực dậy vào cùng thời điểm hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Thực tế, khát vọng quốc gia không bao giờ diễn ra một cách biệt lập. Tham vọng của Mỹ chắc chắn sẽ vấp phải những phản ứng từ các quốc gia khác. Trong khi phương Tây nhìn nhận Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn kinh tế, thì phía Trung Quốc lại tin rằng phương Tây cũng không ở trạng thái tốt đẹp hơn. Nhưng với vai trò là nền kinh tế lớn nhất thế giới, tham vọng của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến chiến lược của tất cả các quốc gia khác.
Chia sẻ với truyền thông quốc tế, ông Andrew Sheng thành viên Hội đồng tư vấn về Tài chính bền vững của UNEP (Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc) cho rằng nước Mỹ đang chuẩn bị cho một giai đoạn đầy thử thách với ba “mũi tên” chiến lược, cụ thể:
Thứ nhất, giảm thâm hụt ngân sách xuống 3% GDP. Hiện tại, thâm hụt ngân sách mà chính quyền Trump sắp kế thừa từ chính quyền Biden là 6,4% GDP – cao gấp đôi so với mục tiêu của Bessent. Đây là thách thức lớn nhất khi Mỹ cần phải cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế để đưa mức thâm hụt về mục tiêu 3%.
Thứ hai, đạt tăng trưởng kinh tế 3% mỗi năm. Mục tiêu tăng trưởng GDP 3% có vẻ khả thi hơn khi mức dự đoán tăng trưởng cho năm 2024 là 2,8%. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tốc độ tăng trưởng trung bình của Mỹ chỉ đạt khoảng 2% mỗi năm. Chính quyền ông Biden đạt được tăng trưởng chủ yếu thông qua chi tiêu tài khóa cao, nhưng điều này được tài trợ bởi tăng trưởng nợ không bền vững.
Thứ ba, tăng sản lượng dầu thêm 3 triệu thùng/ngày. Đây là mũi tên thể hiện rõ sự thừa nhận của Bessent rằng năng lượng là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Mỹ hiện là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, với sản lượng 12,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023, vượt qua Nga (10,1 triệu thùng/ngày) và Ả Rập Xê Út (9,7 triệu thùng/ngày).
Nếu tăng thêm 3 triệu thùng/ngày, sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng 23,3%, chủ yếu từ việc khai thác dầu đá phiến, điều này có thể đi ngược lại các cam kết về trung hòa carbon.
Theo giáo sư kinh tế Helen Thompson tại ĐH Cambridge, lịch sử cho thấy năng lượng luôn là yếu tố quyết định các cuộc cách mạng công nghiệp. Trong khi Anh quốc sử dụng than đá để vận hành động cơ hơi nước, thì Mỹ trỗi dậy nhờ vào nguồn dầu khí nội địa giá rẻ.
Hiện nay, một nửa đến 2/3 trữ lượng dầu có thể khai thác của thế giới nằm trong bán kính 1.000 km quanh Tel Aviv của Israel, trong khi một nửa lượng dầu và khí đốt xuất khẩu toàn cầu đi qua eo biển Hormuz. Bất kỳ sự gián đoạn nào tại những điểm này, chẳng hạn như Israel tấn công Iran hoặc phiến quân Houthi phong tỏa eo biển Hormuz, đều có thể đẩy giá dầu lên cao.
Mỹ đang đối mặt với xu hướng “phi đô la hóa”
Ông Andrew Sheng nhìn nhận, việc Mỹ tăng sản lượng dầu không chỉ nhằm tăng trưởng GDP mà còn giúp củng cố niềm tin vào đồng USD. Tuy nhiên, việc sử dụng đồng bạc xanh như một “vũ khí tài chính” đã khiến nhiều quốc gia chuyển sang các giải pháp thay thế khác như tiền điện tử hoặc vàng.
Hiện tại, tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử đã vượt 3.600 tỷ USD, trong khi dự trữ vàng toàn cầu cũng vượt mốc 3.000 tỷ USD. Xu hướng phi đô la hóa chưa thu hút được nhiều động lực, nhưng đó là điều mà ngay cả ông Trump cũng lo sợ, vì ông đã đe dọa áp thuế quan nghiêm ngặt đối với bất kỳ ai dám thách thức sự thống trị của đồng USD.
Chính quyền Trump 2.0 dự kiến sẽ tăng thuế và áp đặt thêm nhiều lệnh trừng phạt lên Trung Quốc. Để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, Trung Quốc đang xây dựng một con đập siêu lớn ở Tây Tạng, với công suất gấp ba lần đập Tam Hiệp.
Năm 2025 sẽ là thời điểm quan trọng, tùy thuộc vào việc liệu có xảy ra các cuộc chiến về năng lượng hay các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu hay không. Trump muốn đưa Hoa Kỳ ra khỏi cuộc chiến ở Ukraine và tập trung vào Trung Quốc. Nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dường như chưa thể thoát khỏi xung đột liên tục để duy trì vị thế chính trị của mình.
“Trong khi chi tiêu quốc phòng tăng cao thông qua thâm hụt tài khóa không phải là giải pháp bền vững cho Mỹ. Thay vào đó, nước này cần phải đạt hiệu quả chi tiêu cao hơn, cân bằng tài chính, sản xuất thêm dầu và tăng năng suất lao động.
Nếu chính quyền Trump 2.0 thiếu phối hợp như chính quyền Trump 1.0, thì “những mũi tên chiến lược” có thể khó trúng đích và cần thêm thời gian để quan sát các bước đi của cường quốc số 1 thế giới này”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Về tác động với Việt Nam, chuyên gia tại VinaCapital cho rằng rất khó có khả năng Mỹ sẽ áp thuế nặng (20-30%) đối với hàng hóa. Tuy nhiên, trong kịch bản mà Mỹ áp thuế toàn diện, chẳng hạn như như 5-10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia ngoài Trung Quốc, Việt Nam vẫn được cho là sẽ giữ được lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác về dòng vốn FDI.
Liên quan đến vấn đề thặng dư thương mại cao của Việt Nam với Mỹ, từng khiến Việt Nam bị đưa vào danh sách “thao túng tiền tệ” của Bộ Tài chính Mỹ, Chính phủ hiện đang hướng đến giải pháp nhập khẩu những sản phẩm có giá trị lớn như khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) và động cơ máy bay để cân bằng cán cân thương mại.
Bên cạnh đó, các yếu tố giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất toàn cầu và thu hút hàng tỉ USD vốn FDI dự kiến vẫn được duy trì trong thời gian tới. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn nếu sớm chủ động tìm cách giảm thặng dư thương mại với Mỹ, tránh để vấn đề này trở thành một mối lo ngại lớn đối với chính quyền Mỹ trong tương lai.
Source link