Triển vọng tích cực
Đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam. Trong năm 2024, giải ngân đầu tư công không đạt kế hoạch đề ra vì nhiều lý do. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân đầu tư công đến hết tháng 11/2024 đạt 410.953 tỷ đồng, đạt 54,8% kế hoạch và đạt 60,54% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 8-10%. Theo các đơn vị phân tích, để đạt được mục tiêu trên thì động lực chính là thúc đẩy đầu tư công trong bối cảnh nên kinh tế có thể gặp nhiều khó khăn từ xuất nhập khẩu khi ông Trump lên nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Bộ phận phân tích Chứng khoán KB (KB Research) đánh giá năm nay là năm cuối cùng để thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Do vậy, Chính phủ dự kiến nguồn vốn lên đến 790.000 tỷ đồng, tăng 16% so với mức 680.000 tỷ đồng năm vừa qua. Ngoài việc đặt ra kế hoạch giải ngân đáng chú ý, nguồn vốn chi cho đầu tư công có thể được điều chỉnh mở rộng thêm từ các nguồn tăng thu ngân sách của các năm trước.
Bên cạnh đó, các bộ Luật sửa đổi được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV kỳ vọng có thể giải quyết các vướng mắc về quy trình, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, Quốc hội cũng thông qua các đại dự án như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng đầu tư 67 tỷ USD, tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tổng mức đầu tư 80 tỷ USD.
Theo SSI Research, với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 và đạt tăng trưởng hai chữ số những năm tới, hướng đến trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và thu nhập cao vào năm 2045 và tránh “bẫy thu nhập trung bình”, các chính sách thay đổi mang tính nền tảng đang nhanh chóng triển khai nhằm giành được lợi thế trong giai đoạn dân số vàng.
Bên cạnh hoàn thiện thể chế (tinh gọn bộ máy) thì phát triển cơ sở hạ tầng được đặt trọng tâm. Điểm khác biệt trong giai đoạn 5 năm tiếp theo là bên cạnh việc phát triển hệ thống đường cao tốc (hướng tới mục tiêu 5.000km đường cao tốc trong năm 2030), hệ thống cảng (sân bay, cảng biển) và các dự án đường sắt cũng đã được xem xét bắt đầu xây dựng từ năm 2025. Đồng thời, nguồn lực quan trọng của tăng trưởng chính là năng lượng cũng có các động thái như tái khởi động lại hai dự án điện hạt nhân (ở Ninh Thuận), sửa đổi Quy hoạch Phát triển Điện VIII hay việc đổi tên PetroVietnam thành Tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia Việt Nam.
Như vậy, mặc dù đầu tư công là một chủ đề đã quá quen thuộc với các nhà đầu tư, nhưng đã có những tiến triển gần đây có thể mang đến góc nhìn khác biệt so với trước đây. Một số dự án quy mô lớn đang được bổ sung vào danh sách đầu tư công và mô hình BT (xây dựng & chuyển giao) sẽ được tái triển khai vào năm 2025. Điều này rất quan trọng để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng. Việc tinh gọn bộ máy sẽ giảm được chi tiêu thường xuyên của Chính phủ và giúp gia tăng nguồn vốn đầu tư công.
Chính vì vậy, nhóm cổ phiếu đầu tư công là nhóm được các công ty chứng khoán đưa vào một trong chủ đề đầu tư quan trọng của năm nay, có thể theo dõi và xem xét giải ngân.
Những điểm sáng dần xuất hiện
Nhìn lại, các cổ phiếu đầu tư công đã có “kỳ nghỉ đông” khá dài trong năm 2024. Như HHV của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả đã giảm từ vùng 14.700 đồng/cp đầu năm xuống 10.600 đồng/cp đến tháng 11/2024, CII và VCG cùng mất giá 24-25%, LCG có lúc về xuống dưới mệnh giá, C4G giảm miệt mài từ vùng 11.500 đồng/cp xuống 8.100 đồng/cp…
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường Chứng khoán VPBank cho rằng đà giảm của nhóm cổ phiếu đầu tư công phản ánh thực trạng giải ngân đầu tư công chậm chạp năm qua. Tuy nhiên, với việc thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, nhóm cổ phiếu này có thể tạo đáy và đi lên trong năm 2025.
Từ nửa cuối tháng 12/2024 đến nửa đầu tháng 1 năm 2025, thị trường chung giao dịch khá ảm đạm, VN-Index giảm từ vùng 1.270 điểm xuống 1.229 điểm. Thanh khoản cũng đi xuống, có phiên toàn thị trường chỉ giao dịch 8.000 – 9.000 tỷ đồng. Dù vậy, trong bức tranh ảm đạm đó, một vài cổ phiếu thuộc nhóm đầu tư công đã bật sáng. Trong vòng 1 tháng qua, HHV đã tăng từ vùng 10.600 đồng lên 12.500 đồng/cp, FCN tăng từ 12.800 đồng/cp lên 15.350 đồng/cp. Thậm chí, CTI từ vùng 15.300 đồng/cp lên 20.250 đồng/cp, CTD từ 61.000 đồng/cp lên 71.400 đồng/cp tính từ tháng 9.
Về kết quả kinh doanh, phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng đều ghi nhận khả quan trong năm 2024. HHV ước doanh thu năm 2024 tăng 28% đạt 11.245 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 460 tỷ đồng, tăng 15%. Vinaconex lợi nhuận 9 tháng đầu năm tăng 177% lên 641 tỷ đồng, CII gấp 4,2 lần, Licogi – 19 gấp 6,2 lần, Lizen tăng 70%, PC1 gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ năm trước.
KB Research cho rằng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết thuộc lĩnh vực đầu tư công, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp nhà thầu thi công, xây lắp hạ tầng như VCG, LCG, HHV, PC1 sẽ đạt kết quả tích cực. Nếu tiếp tục duy trì theo tiến độ hiện tại, dự kiến điểm rơi doanh thu sẽ vào giai đoạn cuối 2025 – thời điểm chạy nước rút của các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, sân bay Long Thành… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thuộc nhóm thép và vật liệu xây dựng có thể hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng gia tăng tại các đại dự án đã nêu trên.