Doanh nghiệp bất động sản gia tăng vay nợ đầu năm 2024
Theo thống kê từ VietstockFinance, 108 doanh nghiệp bất động sản (trên HOSE, HNX và UPCoM đã công bố BCTC) có tổng nợ vay tại thời điểm 31/03/2024 là hơn 255 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 12 ngàn tỷ đồng (tương ứng 5%) so với đầu năm.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 29/02/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tăng gần 2% so với đầu năm, đạt hơn 1.1 triệu tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tính đến 29/02/2024 Nguồn: Bộ Xây dựng
|
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quý 1/2024, có 14 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá hơn 13 ngàn tỷ đồng và 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá gần 2.7 ngàn tỷ đồng.
Mặt khác, áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 vẫn còn lớn. Ước tính có khoảng hơn 279 ngàn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, phần lớn là trái phiếu bất động sản với gần 116 ngàn tỷ đồng, tương đương 41.4%.
Các ông lớn đẩy mạnh vay nợ trong quý đầu năm
Top 10 doanh nghiệp có dư nợ vay lớn nhất thị trường vẫn không thay đổi nhiều so với thời điểm đầu năm. Đáng kể nhất có lẽ là việc Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HOSE: DIG) thay CTCP Vincom Retail (HOSE: VRE) để lọt vào top 10.
Top 10 doanh nghiệp BĐS có dư nợ vay lớn nhất tại thời điểm 31/03/2024 (Đvt: Tỷ đồng) Nguồn: VietstockFinance
|
Thống kê cho thấy, 9/10 doanh nghiệp có dư nợ vay tăng sau 3 tháng đầu năm. Doanh nghiệp có giá trị dư nợ vay lớn nhất là CTCP Vinhomes (HOSE: VHM), gần 63.9 ngàn tỷ đồng, tăng 13%.
Một trong những nguyên nhân chính khiến dư nợ vay của VHM tăng là sự xuất hiện của lô trái phiếu có giá trị 4 ngàn tỷ đồng, đáo hạn vào tháng 3/2027. Trái phiếu không có tài sản bảo đảm và lãi suất cố định 12%/năm.
Tương tự, DIG có dư nợ tăng mạnh nhất trong top 10 với gần 5 ngàn tỷ đồng vào cuối tháng 3/2024. Trong đó, dư nợ trái phiếu DIG phát hành cho HDBank vượt hơn 1.55 ngàn tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ hơn 250 tỷ đồng. Được biết, DIG phát hành 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.6 ngàn tỷ đồng vào cuối tháng 12/2023 và tháng 3/2024, kỳ hạn 36 tháng cho HDBank. Lãi suất 2 kỳ tính lãi đầu tiên (12 tháng) bằng 11.25%/năm, các kỳ tính lãi được tính bằng tổng 4%/năm + lãi suất tiết kiệm 12 tháng trả sau của HDBank.
Nếu xét về độ tăng thì CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân (HOSE: HQC) có mức tăng mạnh nhất khi tổng nợ vay vào cuối tháng 3 gấp gần 21 lần đầu năm, với gần 1.3 ngàn tỷ đồng. Sở dĩ xuất hiện mức tăng đột biến này là do HQC thực hiện hợp nhất BCTC CTCP Đầu tư Thành Phố Vàng trong quý 1/2024.
Trong đó, gần 1.2 ngàn tỷ đồng là khoản vay dài hạn tại HDBank. Tại HDBank chi nhánh Đông Sài Gòn, HQC có 3 khoản vay, tổng cộng 315.7 tỷ đồng, lãi suất 11-12%/năm, nhằm thanh toán hợp đồng hợp tác kinh doanh và thi công xây dựng với CTCP Đầu tư Xây dựng Phát triển nhà Bảo Linh.
Còn tại HDBank chi nhánh Cộng Hòa, Công ty có 2 khoản vay, tổng cộng hơn 851 tỷ đồng; bao gồm gần 449 tỷ đồng, lãi suất 11.5%/năm, kỳ hạn 4 năm, để bổ sung vốn thực hiện dự án chung cư nhà ở xã hội thành phố vàng (Golden City); 500 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm, kỳ hạn 2 năm, nhằm góp vốn hợp tác kinh doanh với CTCP Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân Mê Kông.
20 doanh nghiệp BĐS có dư nợ vay tăng mạnh nhất trong quý 1/2024 (Đvt: Tỷ đồng) Nguồn: VietstockFinance
|
Ở chiều ngược lại, có 3 doanh nghiệp đưa dư nợ vay về 0 tại thời điểm 31/3/2024, bao gồm: CTCP Xây dựng Số 3 Hải Phòng (UPCoM: HC3), CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (HOSE: NTL) và CTCP Sonadezi Giang Điền (UPCoM: SZG).
Trong số doanh nghiệp giảm mạnh dư nợ, có thể kể đến: CTCP Tập đoàn Nam Mê Kông (HNX: VC3) giảm 68%, còn gần 134 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2024; nhờ vào việc giảm mạnh khoản vay ngân hàng ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động, từ hơn 293 tỷ đồng còn 10 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HOSE: NBB) cũng giảm 15% nợ vay sau khi tất toán khoản vay dài hạn hơn 507 tỷ đồng tại Vietcombank.
20 doanh nghiệp BĐS có dư nợ vay giảm mạnh nhất trong quý 1/2024 (Đvt: Tỷ đồng) Nguồn: VietstockFinance
|
Chi phí lãi vay chưa phản ánh tình hình dư nợ
Trong bối cảnh dư nợ tại nhiều doanh nghiệp tăng, tổng chi phí lãi vay của 108 doanh nghiệp được thống kê trong kỳ gần như đi ngang so với cùng kỳ, chỉ gần 2.9 ngàn tỷ đồng.
Với dư nợ cao nhất toàn ngành, VHM có chi phí lãi vay cao nhất với gần 1.1 ngàn tỷ đồng, tăng 56%. Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (HOSE: BCM) dù giảm 14% chi phí lãi vay nhưng giá trị xếp thứ hai với 164 tỷ đồng.
20 doanh nghiệp BĐS có chi phí lãi vay lớn nhất quý 1/2024 (Đvt: Tỷ đồng) Nguồn: VietstockFinance
|