Chứng khoán Vietcap tổng hợp lại kế hoạch phát triển của Vincom Retail (VRE) sau khi Vingroup thoái vốn, đặc biệt là các khoản giao dịch tại các công ty liên quan.
Trong tháng 3/2024, Vingroup (VIC) đã quyết định thoái toàn bộ vốn tại CTCP Kinh doanh Thương mại Sado – đơn vị đang chi phối tới 41,5% vốn điều lệ của CTCP Vincom Retail (VRE). Sau khi thoái vốn, VRE không còn là công ty con của Vingroup do Tập đoàn chỉ còn sở hữu 18,8% cổ phần.
Thương vụ trên đã giúp Vingroup có khoản lãi bất thường 17,69 nghìn tỷ đồng trong quý đầu năm 2024 nhờ ghi nhận 1 phần giá trị giao dịch nhượng bán.
Sau khi đổi chủ, VRE vẫn ký hợp đồng quản lý hoặc tư vấn hỗ trợ với Vingroup (khi cần thiết) và đảm bảo quyền lợi của các khách thuê, chủ gian hàng tại các trung tâm thương mại (TTTM) như đã cam kết trong các hợp đồng đã ký. Đối với các dự án TTTM trong kế hoạch phát triển sẽ không có thay đổi về các điều khoản và điều kiện trong hợp đồng mà VRE đã đặt cọc với Vingroup và Vinhomes (VHM).
Vincom Retail sở hữu chuỗi TTTM lớn nhất Việt Nam cả về quy mô và độ phủ |
Thu hồi các khoản cho vay ở nhóm Vingroup
Vietcap cho biết, VRE có 2 loại giao dịch chính với các bên liên quan đến VIC (ngoài việc cho các bên liên quan đến VIC thuê diện tích sàn TTTM) là cho các bên liên quan vay và đặt cọc cho việc phát triển dự án.
Với các khoản cho vay, tại thời điểm ngày 31/3, VRE cho vay các bên liên quan số tiền 2,35 nghìn tỷ đồng, bao gồm khoảng 1,9 nghìn tỷ đồng cho VinFast vay và 450 tỷ đồng cho VinBus vay. Trong giai đoạn năm 2022 – 2023, VRE có các giao dịch cho vay đối với VinFast trung bình ở mức 2,4 nghìn tỷ đồng/quý; tuy nhiên, tất cả khoản vay đều đã được thu hồi trong cùng một quý, và không ghi nhận số dư cho vay vào cuối quý.
Nguồn: Vietcap |
Với các khoản cọc phát triển dự án, VRE ghi nhận số tiền đang hợp tác kinh doanh với Vingroup và Vinhomes là 12,2 nghìn tỷ đồng. Việc đặt cọc này chủ yếu cho cấu phần TTTM trong các dự án quy mô lớn gồm nhiều cấu phần mà quyền sở hữu pháp lý không được đưa về VRE do sự phức tạp về thủ tục giấy tờ. Theo hợp đồng này, VRE có trách nhiệm giải ngân chi phí phát triển cho cấu phần TTTM và sẽ nhận được toàn bộ lợi ích kinh tế trong tương lai từ cấu phần đó trong thời gian TTTM hoàn tất thi công và chưa được chuyển giao cho VRE. Khi thủ tục pháp lý được hoàn tất, Vingroup và Vinhomes sẽ chuyển giao TTTM cho VRE theo giá trị sổ sách.
Trong cuộc họp nhà đầu tư vào tháng 4/2024, ban lãnh đạo Vincom Retail cho biết sẽ thu hồi tất cả các khoản vay của các bên liên quan vào cuối tháng 9/2024, trong khi số dư tiền đặt cọc hợp đồng hợp tác kinh doanh có thể sẽ khó giảm trong tương lai để đảm bảo công ty có quyền tiếp cận quỹ đất trong kế hoạch phát triển và nhận tài sản theo giá trị sổ sách. Số dư tiền đặt cọc hợp đồng hợp tác kinh doanh có thể được giảm sau khi TTTM đã hoàn tất.
Kế hoạch phát triển
Năm 2024, VRE sẽ khai trương 6 TTTM mới, bao gồm 2 TTTM Vincom Mega Mall và 4 TTTM Vincom Plaza, với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ khoảng 171.000m2, nâng tổng số lên 89 TTTM tại 48/63 tỉnh thành, giữ vững vị thế dẫn đầu thị trường bất động sản bán lẻ tại Việt Nam về quy mô và độ phủ.
Nguồn: Vietcap |
Mới đây, Vincom Retail góp 3,62 nghìn tỷ đồng để thành lập Công ty Bất động sản Vincom NCT. Ngay sau đó, doanh nghiệp ký thỏa thuận đặt cọc để nhận chuyển nhượng các dự án thuộc các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa của Vingroup, Vinhomes và Vinwonders Nha Trang phục vụ mục đích phát triển quỹ đất thương mại.
>> ‘Ông trùm’ TTTM tại Việt Nam lấn sân làm bất động sản, bắt đầu bằng thương vụ trị giá 3.620 tỷ đồng