Tăng tốc ghi nhận doanh thu từ các gói thầu xây lắp
Trong quý 1/2024, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã cổ phiếu HHV – sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 690 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai mảng kinh doanh chủ lực là thu phí BOT và xây lắp cùng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, lần lượt đạt 23% và 43%. Theo đó, công ty ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 32%, đạt 96 tỷ đồng.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, năm 2024 – 2025 được đánh giá là giai đoạn “bùng nổ” đối với mảng xây lắp của Giao thông Đèo Cả khi loạt gói thầu lớn mà công ty đang triển khai tại dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, và cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng bước vào giai đoạn thi công hạng mục chính.
Công ty cũng đã bắt đầu ghi nhận doanh thu tài chính từ hoạt động hợp tác đầu tư tại dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo.
Đặc biệt, theo dữ liệu mới cập nhật của hãng chứng khoán Vietcombank (VCBS), dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn đang đạt kết quả rất tốt về tiến độ thi công, dự kiến bắt đầu hoàn tất xây dựng cơ bản các công trình hầm và mặt đường trong năm 2025.
Đồng thời, biên lợi nhuận gộp mảng xây lắp của Giao thông Đèo Cả được dự báo có thể phục hồi dần về mức 8 – 9% trong bối cảnh các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều giải pháp điều chỉnh về định mức, đơn giá vật liệu để sát hơn với thực tế.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy các gói thầu do Giao thông Đèo Cả đảm nhận thường khá hiệu quả về chi phí nhờ đảm bảo tốt tiến độ và có thể tận dụng nguồn vật liệu đào ra từ các công trình hầm qua núi.
Nhiều tổ chức tài chính nhận định, trong bối cảnh đầu tư công cho cơ sở hạ tầng tiếp tục được đẩy mạnh, Giao thông Đèo Cả nhiều khả năng giành được thêm các gói thầu lớn nhờ năng lực thi công, kinh doanh.
Đặc biệt, tuyến Cao tốc Bắc – Nam phía Tây và hệ thống đường sắt Bắc Nam, dự kiến sẽ được đẩy mạnh triển khai khai trong chu kì đầu tư công tiếp theo, sẽ đi qua nhiều đoạn địa hình phức tạp và xuyên qua núi – vốn là thế mạnh của Tập đoàn Đèo Cả – công ty mẹ của Giao thông Đèo Cả.
Ngoài ra, Tập đoàn Đèo Cả hiện cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có năng lực thi công các công trình hầm qua núi cấp đặc biệt (dài trên 1,5 km). Những yếu tố này sẽ tạo nguồn việc lớn cho Giao thông Đèo Cả trong thời gian tới.
Xem thêm: “VCBS: Dự báo giá thuê đất khu công nghiệp tiếp tục tăng trong giai đoạn 2024 – 2025” trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Mảng thu phí BOT dự kiến tăng trưởng 30%
Đối với mảng thu phí BOT, Giao thông Đèo Cả và các đơn vị thành viên đang vận hành, khai thác ổn định 7 trạm thu phí. Đây cũng là nguồn thu chủ đạo, tạo ra dòng tiền ổn định của công ty. Trong quý 1/2024, biên lợi nhuận gộp mảng này đã tăng mạnh lên mức 66,2%.
Đáng chú ý, vào cuối năm ngoái, 4 trạm thu phí chính của Giao thông Đèo Cả là: trạm Đèo Cả, An Dân, Cù Mông và Ninh Lộc đã được chấp thuận tăng giá thu phí với mức tăng trung bình khoảng 18%.
Lưu lượng xe qua các trạm cũng tiếp tục xu hướng phục hồi khi các hoạt động kinh tế gia tăng trở lại. Hiện Chứng khoán Vietcombank dự phóng mản thu phí BOT của Giao thông Đèo Cả trong năm nay có thể tăng trưởng tới 30%.
Trong trung và dài hạn, việc gia tăng lưu lượng xe qua các trạm sẽ tiếp tục tăng lên nhờ xu hướng phổ biến của xe ô tô. Đồng thời, phần lớn các dự án giao thông đang được Giao thông Đèo Cả triển khai là nhằm đón đầu xu hướng phát triển hạ tầng trong tương lai, đấu nối trực tiếp với chuỗi Cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Do đó, các trạm thu phí của công ty sẽ hưởng lợi lớn khi các dự án thành phần Cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 dần hoàn thiện trong chu kì đầu tư công trung hạn 2021 – 2025.