Khi Việt Nam thành điểm đến hàng đầu để dịch chuyển sản xuất và thu mua của nhiều tập đoàn, ‘kỳ lân’ Flexport (Mỹ) đã nhanh chân tìm đến đón đầu cơ hội.
“Đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào Việt Nam, một thị trường siêu quan trọng”, ông Sanne Manders, Chủ tịch Flexport nói với VnExpress trong chuyến thăm đến TP HCM.
Cuối tháng trước, công ty con của họ mở văn phòng tại Việt Nam với 12 nhân sự ban đầu. Đội ngũ này làm việc cùng đối tác địa phương là ITL trong tòa nhà ở quận Tân Bình, tổng cộng hơn 50 người. Họ đang tuyển dụng để đạt 60-70 nhân sự cuối năm nay.
Trên toàn cầu, đội ngũ Flexport có khoảng 2.000 nhân viên, hiện diện ở 16 quốc gia Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, với khách hàng đến từ 89 thị trường. Thành lập năm 2013 bởi Ryan Peterson tại San Francisco (Mỹ), Flexport là một trong các startup logistics giá trị nhất của Mỹ, định giá gần nhất đạt 8 tỷ USD, được gọi là kỳ lân, theo Reuters. Kỳ lân là khái niệm để chỉ những công ty khởi nghiệp chưa chào bán cổ phần được định giá trên 1 tỷ USD.
Kỳ lân này đã huy động được 2,3 tỷ USD từ SoftBank, Founders Fund và GV (trước đây là Google Ventures) và có doanh thu hàng năm trên 3 tỷ USD.
Từ trước khi đặt hiện diện, họ đã cung cấp dịch vụ đến 1.300 nhà máy xuất khẩu Việt Nam để vận chuyển hàng cho hơn 500 nhà nhập khẩu. Ông Sanne vì thế đã xem đây là “thị trường chiến lược quan trọng” vài năm qua.
“Việt Nam là khu vực vận tải đường biển lớn thứ 2 của chúng tôi (sau Trung Quốc) và sẵn sàng tiếp tục tăng trưởng”, ông tiết lộ. Nhìn về tương lai, có hai lý do chính tạo động lực cho Flexport đánh giá Việt Nam là thị trường “siêu quan trọng”.
Đầu tiên, khi nhắc đến “Trung Quốc + 1”, Việt Nam luôn ở trong top đầu danh sách cân nhắc của các tập đoàn toàn cầu. “Nhiều khách hàng của chúng tôi chuyển dịch chuỗi cung ứng đến đây. Thị trường nội địa cũng phát triển mạnh. Càng nhiều chuyển dịch thì càng nhiều nhu cầu phục vụ đặt ra”, ông Sanne cho biết.
Thứ hai, nền kinh tế này dự báo tăng 5-6% năm nay. Theo thông lệ, ngành logistics có thể phát triển gấp đôi tốc độ tăng GDP. Do đó, thị trường hậu cần có thể phát triển 6-10%. “Chúng tôi muốn tận dụng cả hai xu hướng vĩ mô này”, ông nói.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu ước tính 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2023. Ông Sanne dự đoán Việt Nam sẽ dẫn đầu về sản xuất và hậu cần trong dài hạn. Bởi lẽ, nơi đây nhận nhiều khoản đầu tư vào các ngành công nghệ, điện tử tiêu dùng.
Song song đó, thương mại điện tử đang bùng nổ. Dự báo của hãng tư vấn AccessPartnership (Anh) cho biết chỉ riêng giá trị xuất khẩu thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam được dự đoán đạt 296.300 tỷ đồng vào 2027.
Bằng kết hợp năng lực vận tải đa phương thức của ITL với năng lực của Flexport, cả hai cho rằng có thể cung cấp dịch vụ trọn gói trong thời gian vận chuyển rất ngắn, ví như “đường cao tốc cho thương mại điện tử” tới thị trường Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, vẫn còn hàng loạt bài toán mà Flexport cần giải khi tham gia sâu hơn vào thị trường Việt Nam, như vấn đề chi phí và giảm phát thải.
Trong tháng 5, giá cước vận tải biển trên một số tuyến xuất khẩu cốt lõi của Việt Nam đã tăng gần gấp ba, do cuộc khủng hoảng Biển Đỏ kéo dài đang tiêu tốn một tỷ lệ lớn đội tàu toàn cầu và làm gián đoạn tính sẵn sàng cũng như hiệu suất ngành.
“Chúng tôi thấy mình đang ở trong một thị trường bị hạn chế về nguồn cung nghiêm trọng một cách đáng ngạc nhiên”, ông Sanne nói. Dự kiến giá container sẽ vẫn còn cao trong thời gian ngắn, trước khi nó dần bình thường hóa nhờ công suất mới bổ sung cuối năm nay.
Không tính những sự cố mang tính đột xuất, chi phí logistics ở Việt Nam vốn tương đối cao. Tuy nhiên, Chủ tịch Flexport cho rằng đó là tình trạng chung nhiều nơi, với logistics thường chiếm 10-12% tổng chi phí.
Theo ông, có thể giảm chi phí bằng cách giảm tỷ lệ sai sót trong quy tình giao vận, tăng tự động hóa và tối ưu phương thức vận chuyển. “Có những khách hàng của chúng tôi vẫn sử dụng nhiều người để quản lý chuỗi cung ứng. Nhưng nếu có tất cả dữ liệu trong tay, ta sẽ không cần nhiều người như vậy”, ông Sanne nói.
Tại Việt Nam, họ cân nhắc phương thức vận chuyển sà lan mà ITL sở hữu để thay xe tải nếu phù hợp. Sà lan được cho là rẻ và thân thiện môi trường hơn. “Thời gian vận chuyển có thể lâu hơn một chút, nhưng đôi khi tương đương vì xe tải ảnh hưởng bởi tắc nghẽn nhiều hơn. Đường sá ở đây rất đông đúc”, ông nói.
Bên cạnh chi phí, ông thừa nhận khách hàng ngày càng yêu cầu các công cụ và nguồn lực từ nhà cung cấp dịch vụ logistics trong việc giảm dấu chân carbon. Vì vậy, họ tập trung giải bài toán này bằng cách tập trung vào ba lĩnh vực chính.
Trước hết là khả năng đo lường khí thải bằng công nghệ. Họ công bố được lượng CO2 thải ra của lô hàng trên mỗi hóa đơn gửi đến khách hàng. Ở giai đoạn thực thi, công ty giảm khí thải bằng cách lựa chọn phương tiện – ví dụ thay sà lan cho xe tải ở Việt Nam, bên cạnh tối ưu hóa lộ trình, phát triển các chương trình SAF (nhiên liệu hàng không bền vững). Khi không thể giảm thêm, họ tham gia các chương trình khí hậu.
Thời gian tới, Flexport muốn tập trung vào 3 trụ cột tăng trưởng tại Việt Nam, bao gồm phát triển sản phẩm đường biển và hàng không; tích hợp dịch vụ hậu cần trong nước cho các thương hiệu toàn cầu và tung thêm sản phẩm giúp khách hàng quản lý chuỗi cung ứng linh hoạt theo thời gian thực.
“Chúng tôi tin rằng tiềm năng của ngành logistics Việt Nam rất hứa hẹn. Vẫn còn cơ hội lớn để chuyển đổi, thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng và áp dụng công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa”, ông Sanne Manders nói.
Viễn Thông
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chu-tich-ky-lan-logistics-my-viet-nam-la-thi-truong-sieu-quan-trong-4755298.html