Chi tiết

Agribank rao bán khoản nợ hơn 400 tỷ của doanh nghiệp thủy sản có chủ đã bỏ trốn

Agribank rao bán khoản nợ hơn 400 tỷ của doanh nghiệp thủy sản có chủ đã bỏ trốn

Ngày 11/12, Agribank Chi nhánh tỉnh An Giang, thông qua Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC), thông báo lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá khoản nợ hơn 400 tỷ đồng của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An (Tafishco).

Khoản nợ được đấu giá của Tafishco theo hai hợp đồng tín dụng ký năm 2016, giá trị ghi sổ của khoản nợ tạm tính đến 30/09/2024 là gần 417.4 tỷ đồng, trong đó, nợ gốc hơn 289.1 tỷ đồng và nợ lãi gần 128.3 tỷ đồng. Lưu ý rằng, tiền lãi sẽ tiếp tục phát sinh kể từ ngày 01/10/2024 cho đến khi Công ty thanh toán hết nợ gốc và lãi tiền vay tại Agribank An Giang.

Ngoài hai hợp đồng tín dụng đã ký, hồ sơ pháp lý của khoản nợ gồm hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng thế chấp tài sản giữa Agribank An Giang và Tafishco, các hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của người khác, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ ba giữa Agribank An Giang và ông Nguyễn Thái Sơn (Chủ tịch HĐTV Tafishco) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Huệ Trinh (Tổng Giám đốc Tafishco), cùng các hồ sơ, tài liệu khác có liên quan đến khoản nợ.

Theo thông báo, giá khởi điểm đấu giá toàn bộ khoản nợ là gần 417.4 tỷ đồng. Khoản nợ được đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm nguyên trạng khoản nợ, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức có sao bán vậy.

Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An (Tafishco) thành lập ngày 16/09/2002, trụ sở đặt tại tỉnh An Giang, trong quá khứ từng là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, với mặt hàng chủ lực là cá tra.

Theo tìm hiểu, Năm 2014, Công ty được lựa chọn làm đầu mối tổ chức chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – xuất khẩu cá tra. Đây là chuỗi liên kết theo phương thức nông dân ký hợp đồng vay tiền với Agribank An Giang nhưng không nhận tiền mặt mà nhận bằng thức ăn cho cá từ doanh nghiệp được chỉ định. Sau đó, người dân thu hoạch cá giao cho Công ty chế biến xuất khẩu và Công ty trực tiếp trả nợ ngân hàng.

Chuỗi liên kết cá tra đã mang lại hiệu quả và ổn định trong hầu hết thời gian thí điểm. Tuy nhiên, đến tháng 11/2016, vợ chồng chủ Công ty bỏ trốn ra nước ngoài và để lại khoản nợ lớn. Hiện tại, Công ty cùng các chi nhánh đều đã ngừng hoạt động.


Nhiều ao nuôi cá bị bỏ hoang lâu năm, cỏ mọc um tùm – Ảnh: Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Huy Khải

FILI



Source link