Trong một bức thư nội bộ, CEO Eddie Wu cho biết Alibaba sẽ hợp nhất các công ty mảng TMĐT trong và ngoài nước, bao gồm Taobao, Tmall, Alibaba International Digital Commerce, sàn 1688 và một số đơn vị khác. Người lãnh đạo nhóm kinh doanh mới là Jiang Fan.
Theo Wu, động thái này sẽ giúp Alibaba “tích hợp tất cả tài nguyên TMĐT và khai thác khả năng cốt lõi được tích lũy qua nhiều năm để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ở Trung Quốc và trên toàn thế giới”.
Ngoài ra, Wu khẳng định Alibaba sẽ hỗ trợ nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc mở rộng thị trường Trung Quốc và nước ngoài. Trong khi đó, TMĐT và AI vẫn là những hướng đi chiến lược nhất đối với công ty.
Jiang, người được CEO Wu trao quyền, hiện nay 39 tuổi, gia nhập Alibaba từ 2013 và luôn được xem là ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo Alibaba. Ông có nhiều kinh nghiệm mảng TMĐT, từng giữ nhiều vai trò lãnh đạo quan trọng của Taobao và Tmall, hai nền tảng TMĐT mà Alibaba nhắm đến thị trường nội địa.
Đến năm 2022, ông rời Taobao và Tmall để phụ trách mảng kinh doanh TMĐT quốc tế của Alibaba. Đây có thể xem là bước đi chiến lược của Alibaba. Bởi vì khi ấy tăng trưởng người dùng và doanh số bán hàng nội địa nhìn chung khá chậm. Do đó không chỉ Alibaba mà các nền tảng khác cũng tích cực đầu tư ra thị trường ngoại quốc. Temu, Shein hay TikTokShop đều là các nền tảng gốc Trung thành công ở xứ người trong vài năm qua.
Sau khi Jiang phụ trách TMĐT quốc tế của Alibaba, bộ phận này trở thành lĩnh vực phát triển nhanh nhất công ty. Tuy nhiên vừa mới an tâm thị phần nước ngoài, Alibaba lại trở lại lo sốt vó thị phần trong nước.
Những năm 2019, lúc Jiang mới dẫn dắt Taobao hay Tmall, thị trường rất khác, Alibaba chiếm thị phần áp đảo. Thế nhưng bây giờ mọi thứ đã thay đổi đáng kể, các đối thủ như Pinduoduo hay Douyin phát triển mạnh mẽ, tạo nên mối đe dọa lớn cho Alibaba. Hồi năm ngoái, PDD Holdings, công ty mẹ của Temu, thậm chí còn soán ngôi Alibaba để trở thành công ty có giá trị cao nhất trong số những công ty Trung Quốc được niêm yết tại sàn chứng khoán Mỹ.
Hiện nay, Alibaba vẫn dẫn đầu về chỉ số Tổng giá trị hàng hóa (GMV), nhưng tốc độ tăng trưởng, cả doanh thu lẫn GMV, đều chậm đi khá nhiều trong khi các đối thủ đang ngày càng có chỗ đứng hơn.
Việc gộp TMĐT nội địa và quốc tế là bước đi đảo ngược hoàn toàn so với kế hoạch chia tách của Alibaba. Hồi tháng 3 năm ngoái, họ thông báo sẽ tái cấu trúc thành 6 bộ phận kinh doanh khác nhau với mục tiêu 5 trong 6 được lên sàn chứng khoán. Thế nhưng vài tháng sau, Alibaba đã rút lại kế hoạch này bằng nhiều biện pháp, bao gồm việc từ bỏ dự án chia tách mảng điện toán đám mây, cũng như hủy bỏ đợt IPO của dịch vụ tiếp vận thông minh Cainiao.
Đây không phải lần đầu tiên Alibaba loay hoay với mảng TMĐT.
Cuối năm 2023, sau một thời gian dài im ắng, Alibaba đã cho Taobao bắt đầu phát sóng hàng loạt đoạn livestream bán hàng trên khắp Trung Quốc. Trước đó CEO của Taobao Tmall Commerce Group khẳng định họ sẽ tiếp tục đầu tư phát triển nội dung xoay quanh mua sắm, tiêu dùng và cuộc sống hằng ngày. Hồi cuối tháng 5, trong cuộc họp lãnh đạo Taobao Tmall Commerce Group, Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba, đã kêu gọi tập đoàn nên tập trung trở lại vào phát triển Taobao, người dùng và internet. Hay có thể nói, họ muốn quay về gốc rễ TMĐT của mình.
Tại Đông Nam Á, Alibaba đầu tư đến 1,8 tỷ đô cho Lazada chỉ trong năm 2023. Không chỉ vậy, Lazada còn cho ra mắt “Choice”, khu vực tập hợp các hàng hóa giá rẻ. Alibaba có vẻ đang muốn đặt cược vào Choice để vực dậy khả năng cạnh tranh của mình trong khu vực, đặc biệt với các nền tảng chuyên hàng siêu rẻ như Temu.
Có thể thấy vài năm trở lại đây, Alibaba đang khá lúng túng và loay hoay với TMĐT, dù đó là mảng làm nên tên tuổi của họ. Từ những quyết định quay trở lại, cho đến việc chia tách, sáp nhập, dường như con đường quay trở lại thời hoàng kim TMĐT của Alibaba vẫn chưa sáng sủa. Đó là điều nằm trong dự kiến trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.