Áp dụng thuế suất 5% sẽ tác động đến giá thành phân bón ra sao?
Tại tọa đàm thuế GTGT cho phân bón – Vì lợi ích của nông dân và sự phát triển của ngành phân bón trong nước, nhiều chuyên gia kinh tế đã phân tích kỹ các ưu nhược điểm khi áp thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón.
Tọa đàm thuế GTGT cho phân bón – Ảnh: VGP/Đỗ Hương
|
Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi đã được đưa ra thảo luận tại hội trường vào ngày 29/10/2024, trong đó, nội dung sửa đổi về thuế suất đối với mặt hàng phân bón là một nội dung được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và cho ý kiến.
Hai quan điểm về áp thuế GTGT cho phân bón
Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Vụ Chính sách Tổng cục Thuế cho biết, liên quan đến nội dung sửa đổi thuế suất với mặt hàng phân bón, đang có 2 luồng quan điểm khác nhau.
Thứ nhất chuyển phân bón sang đối tượng áp dụng thuế suất 5%, phương án này có ưu điểm vừa thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu vừa thực hiện mục tiêu thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT.
Đối với phân bón sản xuất trong nước, giá bán phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, thứ nhất phụ thuộc vào chi phí giá thành nguyên vật liệu đầu vào; chi phí sản xuất trong nước; chế độ thuế GTGT đối với sản xuất trong nước; lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất.
Việc chuyển phân bón (đầu vào cho sản xuất nông nghiệp) sang đối tượng chịu thuế GTGT 5% sẽ góp phần tránh hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp vì toàn bộ thuế GTGT đầu vào của sản xuất sẽ không phải hạch toán vào chi phí mà được khấu trừ thuế GTGT đầu vào; các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế GTGT đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%), các doanh nghiệp sản xuất sẽ có dự địa để giảm giá bán nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường không thay đổi.
Đối với phân bón nhập khẩu, giá bán ra trên thị trường trong nước phụ thuộc vào giá phân bón trên thị trường thế giới, chính sách thuế GTGT đối với phân bón nhập khẩu; lợi nhuận của đơn vị nhập khẩu.
Phân bón sản xuất trong nước hiện chiếm hơn 73% thị phần và sẽ giảm được giá thành khi phân bón quay lại chịu thuế GTGT 5%; phân bón nhập khẩu chiếm dưới 27% thị phần và có khả năng sẽ phải tăng giá khi bị đánh thuế GTGT 5%. Các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải căn cứ giá nhập khẩu thực tế, mặt bằng giá trong nước khi có chính sách mới để tính toán giá bán với mức lợi nhuận hợp lý để duy trì khả năng cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội – Ảnh: VGP/Đỗ Hương
|
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội cho biết, hai kịch bản đều có sự tác động khác nhau, đều có điểm lợi và điểm bất lợi khác nhau. Quyết định chọn được phương án nào do lấy đối tượng nào làm trọng tâm là: Nhà nước, doanh nghiệp hay người tiêu dùng.
Nếu phân bón áp thuế VAT 5%, doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế đầu vào, có điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước, gia tăng cạnh tranh. Sản xuất trong nước sẽ lợi hơn nhập khẩu vì sản phẩm nhập khẩu cộng thêm 5%.
Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ phải trả thêm 5%. Doanh nghiệp có sẵn sàng giảm giá bán hay không mới chỉ là kỳ vọng. Còn trong trường hợp thuế VAT 0%, ít nhất giá thành phân bón không tăng.
“Tôi đề xuất Quốc hội nên lấy ý kiến riêng về vấn đề thuế VAT đối với mặt hàng phân bón, trước khi thông qua trình toàn văn dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng”, ông Phan Đức Hiếu ý kiến.
Xây dựng luật bình đẳng và hài hòa lợi ích
Phân tích ở góc độ phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho biết: Phân bón đã từng chuyển từ thuế suất 5% sang không chịu thuế (năm 2014) và chính sách này đã gây ảnh hưởng, bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian qua.
Vì thuế VAT đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào rất lớn đối với đầu tư, mua sắm sản phẩm cố định làm giá thành sản phẩm trong nước tăng cao, không thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu nên không công bằng đối với những sản phẩm phân bón sản xuất trong nước.
“Tôi đồng tình với giải trình của Thường vụ Quốc hội. Đó là áp thuế VAT 5% đối với ngành phân bón. Phân bón hiện nay là loại hàng hóa trong diện bình ổn giá. Nhà nước sẽ điều tiết để đảm bảo phân bón không tăng cao”, ông Hòa nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cho rằng, đưa phân bón vào chịu thuế VAT 5% sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích 3 nhà “Nhà nước – doanh nghiệp – nông dân”. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến, nếu điều chỉnh 5% người nông dân không được hưởng chính sách này, vì đã tăng thuế thì nông dân phải là người chịu ảnh hưởng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia Kinh tế Tài chính – Ảnh: VGP/Đỗ Hương
|
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia Kinh tế Tài chính cho biết ông đã nghiên cứu vấn đề này từ năm 2015 – 2016. Ông phân tích: “Thuế VAT đầu vào cho phân bón, với mức 5% có thể đủ khấu trừ VAT đầu vào, như vậy mức này là phù hợp. Ở mức độ nào đó sẽ làm tăng giá thành, nhưng nếu khấu trừ đầu vào và việc áp thuế, giá thành sản xuất sẽ giảm đi 4-5%. Giá thành sản xuất giảm đi, doanh nghiệp có lợi nhuận, từ đó nâng cao hiệu suất của phân bón. Đồng thời, có cơ hội để giảm giá bán hoặc khuyến mãi, hậu mãi cho nông dân. Để làm được việc này, Hiệp hội phân bón phải vào cuộc để các thành viên phải làm được”.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh việc cần đánh thuế GTGT với vật tư nông nghiệp và phân bón là để đảm bảo công bằng, bình đẳng cho các sản phẩm, các ngành trong nền kinh tế khi có phần GTGT đã được xác định.
PGS. TS Đinh trọng Thịnh cũng lưu ý, luật thuế GTGT theo nguyên tắc được phép khấu trừ thuế, chứ không có hoàn thuế vì vậy nếu đánh thuế 0% thì ngân sách nhà nước cũng mất thêm tiền để hoàn thuế.