Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp ngày càng tăng
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hai tháng cuối năm 2024 đang đối mặt với nhiều áp lực khi khối lượng đáo hạn dự kiến lên tới hơn 65.000 tỉ đồng, chiếm gần 10% hạn mức tín dụng còn lại của năm. Đây là một thách thức lớn không chỉ với các doanh nghiệp phát hành mà còn với cả thị trường tài chính nói chung.
Trong tháng 10-2024, các doanh nghiệp đã mua lại 12.772 tỉ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa: TTXVN
|
Khối lượng phát hành tăng mạnh
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 10 tháng đầu năm 2024, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành đạt 332.854 tỉ đồng, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phát hành ra công chúng đạt 28.854 tỉ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ, còn phát hành riêng lẻ đạt 304.000 tỉ đồng, tăng 454% so với cùng kỳ. Nếu so sánh với quy mô tín dụng thì tổng lượng phát hành TPDN năm nay dự kiến chỉ chiếm khoảng 2,5% quy mô tín dụng, giảm so với mức 4,5-6% giai đoạn 2019-2021.
Lĩnh vực ngân hàng chiếm tỷ lệ áp đảo với 72% tổng lượng phát hành, tăng mạnh so với mức 57% của năm 2023 và mức trung bình 42% trong giai đoạn 2019-2023. Ngược lại, bất động sản chỉ chiếm 17%, giảm so với mức 24% của năm 2023 và mức trung bình 26% trong giai đoạn trước. Sự thay đổi này xuất phát từ nhu cầu tăng cường huy động vốn dài hạn của các ngân hàng để đáp ứng các quy định chuyên ngành, trong khi các lĩnh vực khác, đặc biệt là bất động sản, gặp khó khăn trong việc phát hành trái phiếu mới.
Đáng chú ý, trong tháng 10-2024, các doanh nghiệp đã mua lại 12.772 tỉ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, trong hai tháng cuối năm 2024, khoảng 65.685 tỉ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn, trong đó trái phiếu bất động sản chiếm tỷ trọng 40%, tương đương 26.255 tỉ đồng.
Áp lực đáo hạn và bài toán vốn
Hai tháng cuối năm 2024, thị trường TPDN đối mặt với hơn 65.000 tỉ đồng trái phiếu đến hạn, tương đương gần 10% quy mô tín dụng còn lại của năm (khoảng 670.000 tỉ đồng).
Năm 2025 và 2026, áp lực đáo hạn tiếp tục tăng cao, với ước tính lần lượt đạt 250.000 tỉ đồng và 230.000 tỉ đồng. Trong khi đó, theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP, các TPDN chỉ có thể được gia hạn tối đa hai năm. Điều này đồng nghĩa với việc từ quí 2-2025 trở đi, khối lượng đáo hạn rất cao, tạo ra áp lực ngày càng lớn lên các tổ chức phát hành.
Đối với trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng, áp lực đáo hạn không quá nặng nề nhờ khả năng quay vòng vốn và sức khỏe tài chính ổn định. Ngược lại, với các lĩnh vực phi ngân hàng như bất động sản và năng lượng tái tạo, bài toán đáo hạn phức tạp hơn đáng kể. Trong giai đoạn 2019-2023, nhóm phi ngân hàng chiếm hơn 55% tổng lượng trái phiếu phát hành và áp lực đáo hạn trong giai đoạn 2025-2026 lên đến 12% tổng quy mô tín dụng hàng năm (trung bình khoảng 2 triệu tỉ đồng/năm trong giai đoạn 2021-2024), chưa kể đến nhu cầu vốn mới để phát triển.
Bối cảnh này khiến giai đoạn cuối năm 2024 và đặc biệt trong năm 2025 được dự báo là giai đoạn thách thức lớn khi khối lượng TPDN đáo hạn đạt mức cao kỷ lục. Những doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm, khó huy động vốn từ các kênh khác, sẽ chịu áp lực nặng nề trong việc tái cơ cấu nợ.
Cùng với đó, áp lực tăng lãi suất huy động đang lớn dần, kéo theo chi phí vay vốn tăng cao và khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn mới khiến nhiều tổ chức phát hành rơi vào thế khó. Tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa thực sự hồi phục sau các biến động trước đó và những rào cản khắt khe hơn khi tham gia mua TPDN của nhà đầu tư cá nhân khiến việc duy trì thanh khoản để trả nợ trái phiếu đáo hạn trong khi vẫn bảo đảm hoạt động kinh doanh trở thành bài toán nan giải đối với nhiều doanh nghiệp.
Hai tháng cuối năm 2024, thị trường TPDN đối mặt với hơn 65.000 tỉ đồng trái phiếu đến hạn, tương đương gần 10% quy mô tín dụng còn lại của năm (khoảng 670.000 tỉ đồng). Đáng chú ý, khoảng 40% trong số này thuộc về các doanh nghiệp bất động sản. Năm 2025 và 2026, áp lực đáo hạn tiếp tục tăng cao, với ước tính lần lượt đạt 250.000 tỉ đồng và 230.000 tỉ đồng. Trong khi đó, theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP, các TPDN chỉ có thể được gia hạn tối đa hai năm. |
Cơ hội từ khung pháp lý mới
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) mới nhất mang đến kỳ vọng khơi thông thị trường TPDN. Đáng chú ý, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp được xem xét tham gia mua TPDN phát hành riêng lẻ nếu doanh nghiệp phát hành đáp ứng một trong hai điều kiện: (1) có xếp hạng tín nhiệm và tài sản bảo đảm hoặc (2) có xếp hạng tín nhiệm và bảo lãnh thanh toán từ tổ chức tín dụng.
Những quy định mới, được đưa ra trong dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) và Nghị định 08/2023/NĐ-CP, sẽ siết chặt các điều kiện phát hành cũng như giới hạn đối tượng tham gia mua TPDN phát hành riêng lẻ. Điều này không chỉ thúc đẩy hoạt động phát hành TPDN ra công chúng phát triển mà còn lọc bớt những doanh nghiệp kém năng lực, chỉ để lại sân chơi cho các doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững mạnh và quản trị minh bạch.
Hơn nữa, với việc hệ thống xếp hạng tín nhiệm ngày càng hoàn thiện và các quy định theo hướng minh bạch hơn, thị trường TPDN được kỳ vọng sẽ phát triển và ổn định trong thời gian tới. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản, vốn đang đối mặt nhiều khó khăn, có thể hưởng lợi đáng kể từ các dự án luật mới, giúp tháo gỡ vướng mắc pháp lý và khơi thông dòng tiền. Tương tự, cơ quan chức năng cũng đang đẩy mạnh xử lý dứt điểm những tồn đọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và mở ra cơ hội phát triển ngành này trong một đến hai năm tới.
Tuy nhiên, những yêu cầu mới cũng đặt ra thách thức lớn cho cơ quan quản lý, đòi hỏi tăng cường giám sát chặt chẽ đối với hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các đơn vị cung cấp bảo lãnh thanh toán. Đây là bước đi cần thiết để đảm bảo thị trường phát triển một cách bền vững, minh bạch và củng cố niềm tin từ phía nhà đầu tư.
Trịnh Duy Viết