Chi tiết

Áp lực lãi suất đè nặng doanh nghiệp cuối năm

Lãi suất cho vay có thể tăng

Theo góc nhìn của ThS. Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, hiện nay, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức từ bối cảnh kinh tế toàn cầu. Một trong những rủi ro chính là khả năng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ.

Ảnh chụp Màn hình 2023-03-20 lúc 20.09.31
Lãi suất cho vay có thể hồi phục trong thời gian tới gây áp lực đến các doanh nghiệp

Thực tế, áp lực lên tỷ giá hối đoái và dòng vốn vào Việt Nam đã liên tục tăng cao trong năm 2023 và có giảm nhẹ trong quý đầu năm 2024, vì vậy đòi hỏi chính sách tiền tệ của Việt Nam phải rất linh hoạt và thận trọng.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán KB Việt Nam cũng nhìn nhận, lãi suất cho vay có thể hồi phục trong thời gian tới gây áp lực đến các doanh nghiệp.

Nguyên nhân chính đến từ các yếu tố như: Nền kinh tế đã và đang có sự hồi phục tích cực, dẫn đến phía ngân hàng sẽ giảm dần các chương trình hỗ trợ khách hàng như giai đoạn đầu năm nay.

Trước đó nhiều ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất huy động, đẩy chi phí đầu vào tăng khiến biên lãi ròng giảm mạnh trong nửa đầu năm 2024. Vì vậy, việc tăng lãi suất cho vay sẽ giúp bù đắp chi phí cho ngân hàng.

“Đặc biệt, Thông tư 02/2022/TT-NHNN về tái cơ cấu nợ sẽ hết hạn cuối năm nay, trong khi chất lượng tài sản của toàn ngành chưa có sự cải thiện đáng kể, do đó, các ngân hàng sẽ cân đối lại lãi suất cho vay để bù đắp cho những rủi ro tiềm ẩn về khả năng trả nợ của khách hàng trong tương lai”, ông Trần Đức Anh dự báo.

Các chuyên gia của Ngân hàng UOB cho rằng, rủi ro lạm phát và bối cảnh quốc tế hiện tại khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận hỗ trợ theo trọng tâm hơn vào các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thay vì triển khai một công cụ hỗ trợ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất.

Do đó, khả năng cao NHNN sẽ tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành hiện tại, đồng thời tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác.

Còn dư địa điều hành chính sách

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, nhóm chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Khoa học – Học viện Ngân hàng phân tích, kết thúc quý 3/2024, tín dụng toàn ngành tăng 9%. Mức tăng tín dụng này cho thấy sự cải thiện đáng kể của cầu tín dụng và sức hấp thụ vốn từ nền kinh tế, khi kết thúc quý 2/2024, tăng trưởng tín dụng mới đạt 6% so với cuối năm 2023.

t-gia.png
Việc áp lực tỷ giá giảm và duy trì ổn định sẽ giúp NHNN có nhiều dư địa hơn để thúc đẩy các chính sách tiền tệ

Mặc dù lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của hệ thống ngân hàng trong quý 3/2024 vẫn duy trì đà tăng của quý 2 sau khi chạm đáy vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2024, tuy nhiên đã có dấu hiệu chững lại do áp lực lạm phát hạ nhiệt và các động thái hỗ trợ thanh khoản cho thị trường của NHNN.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất 50 điểm cơ bản và sau đó giảm tiếp 25 điểm cơ bản tại kỳ họp gần đây nhất cũng có tác động tích cực tới Việt Nam thông qua: (i) Giảm áp lực tỷ giá; (ii) Giảm chi phí lãi các khoản nợ bằng USD; (iii) Tạo điều kiện để NHNN có thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn.

Về tỷ giá, sau giai đoạn tăng mạnh trong quý 1 và neo ở mức đỉnh xuyên suốt quý 2, tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt đáng kể trong quý 3/2024. Việc áp lực tỷ giá giảm và duy trì ổn định sẽ giúp NHNN có nhiều dư địa hơn để thúc đẩy các chính sách tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, NHNN đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm đảm bảo giữ tỷ giá ở mức hợp lý như: Duy trì nguồn cung ngoại tệ doanh nghiệp, giữ ổn định tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước… Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng, tỷ giá niêm yết tại các NHTM, tỷ giá tự do tiếp tục giảm giá và thu hẹp mức tăng so với cuối năm 2023.

Có thể thấy, sự hỗ trợ đến doanh nghiệp và nền kinh tế là rất rõ rệt ở một số điểm cụ thể: Thứ nhất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, góp phần hỗ trợ nền kinh tế.

Thứ hai, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục được chú trọng hoàn thiện, vừa bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn vừa bám sát yêu cầu thực tiễn, đáp ứng kịp với xu thế và chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, hiện nay thị trường quốc tế đang có nhiều biến động và áp lực tỷ giá đang căng trở lại, gây tác động lên thanh khoản và xu hướng lãi suất của hệ thống ngân hàng. Điều này càng khiến các doanh nghiệp trông đợi hơn vào nỗ lực ổn định và hỗ trợ giữ lãi suất thấp từ phía cơ quan quản lý.


Source link