Ổn định bất động sản, giải quyết nợ chính quyền địa phương và đối phó nguy cơ Mỹ tăng thuế là 3 bài toán lớn cho kinh tế Trung Quốc năm tới.
Tăng trưởng GDP Trung Quốc chậm lại trong ba quý đầu năm nay, lần lượt từ 5,3% xuống 4,7%, đến 4,6%. Để đạt mục tiêu cả năm là 5%, nước này mạnh tay tung ra nhiều chính sách tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng vào cuối quý III.
Nhờ vậy, những tháng gần đây, doanh số bán lẻ, chỉ số nhà quản trị mua hàng và thị trường bất động sản dần cải thiện. Ông Huang Yiping, Hiệu trưởng Trường Phát triển Quốc gia, Giáo sư Đại học Bắc Kinh, thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 với đà này.
Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương (CEWC) ngày 11-12/12, Bắc Kinh vạch ra mục tiêu “duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định”, tăng tỷ lệ thâm hụt tài chính và phát hành thêm trái phiếu, nhưng không đề cập các con số cụ thể.
Trong khi đó, Moody’s Ratings gần đây nâng dự báo tăng trưởng Trung Quốc năm 2025 từ 4% lên 4,2%, nhờ kỳ vọng các điều kiện tín dụng sẽ ổn định và các nỗ lực kích thích của Bắc Kinh kể từ tháng 9. Lạc quan hơn, Goldman Sachs Research cho rằng có thể đạt 4,5%. Ngược lại, UBS thận trọng đưa ra con số 4%.
Tuy nhiên, triển vọng cho năm sau vẫn chưa rõ ràng, theo ông Huang Yiping và nhiều chuyên gia quốc tế. Theo đó, nếu muốn đạt mức tăng trưởng GDP là 5%, Bắc Kinh sẽ phải vượt qua 3 thách thức chính, bao gồm: ổn định thị trường bất động sản, giải quyết nợ chính quyền địa phương và đối phó nguy cơ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tăng thuế lên hàng nhập khẩu “made in China”.
Đầu tiên là thị trường bất động sản, lĩnh vực đóng góp khoảng 20% GDP và chiếm 70% tài sản hộ gia đình. Đây chính là “lực cản lớn nhất với nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2024”, theo tập đoàn tài chính ING (Hà Lan). Vì vậy, tiếp tục gỡ khó cho bất động sản chính là cởi trói cho tăng trưởng năm sau.
Theo dữ liệu của ING, tình trạng vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản đã chậm lại, hơn 420 triệu m2 sàn hoàn thiện trong 10 tháng đầu năm. Tồn kho đã đạt đỉnh vào tháng 2/2024 và bắt đầu giảm dần. Dù vậy, giá nhà vẫn đi xuống.
Hàng loạt chính sách hỗ trợ năm nay nhưng người mua vẫn thận trọng. Trong 10 tháng đầu, giá nhà trên thị trường thứ cấp sụt 7,5% và thị trường sơ cấp hạ 5,5%. So với đỉnh năm 2021, giá hiện giảm lần lượt 15,8% và 9,4%.
“Việc ổn định giá bất động sản vẫn là nhiệm vụ quan trọng để duy trì niềm tin hộ gia đình. Khó có thể kỳ vọng người dân chi tiêu tự tin khi tài sản lớn nhất của họ đang mất giá từng tháng”, phân tích ING nêu.
Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương được tổ chức đầu tháng 12, giới chức quyết định rằng cần tiếp tục nỗ lực để đảo ngược suy thoái bất động sản, kiểm soát hợp lý nguồn cung đất đô thị dành cho phát triển nhà ở.
Tuần này, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị – Nông thôn tiến hành hội nghị đề ra kế hoạch thúc đẩy mô hình phát triển mới cho ngành bất động sản, đồng thời đẩy nhanh việc cải tạo các dự án nhà ở cũ tại các thành phố Trung Quốc.
Theo đó, cơ quan này sẽ được kiểm soát chặt chẽ việc xây thêm nhà ở thương mại nhằm tối ưu hóa nguồn cung hiện tại. Trong khi, tăng phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu ở của cư dân mới, người trẻ và các gia đình thu nhập thấp. Ngoài ra, chính quyền sẽ tiếp tục cải cách hệ thống giao dịch bất động sản để thúc đẩy việc bán nhà đã hoàn thiện và tăng giám sát việc bán nhà dự án.
UBS cho rằng các biện pháp hỗ trợ bất động sản kể từ cuối tháng 9 có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc ổn định giá và doanh số nhưng vẫn mất thời gian để hiệu quả rõ nét. Theo dự báo của ngân hàng Thụy Sĩ, suy giảm doanh số và số lượng dự án sẽ thu hẹp lần lượt còn 5-10% và 10-15% trong năm 2025, đến 2026 mới ổn định, với các thành phố lớn nhất hồi phục trước.
Thách thức thứ hai là bảng cân đối kế toán của các chính quyền địa phương. Năm 2024, nhiều địa phương mắc kẹt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan khi nợ cao và doanh thu giảm, gây ra những thách thức cho các nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế. Nếu điều này không sớm giải quyết, đây tiếp tục là lực cản lớn cho năm sau.
Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, tính đến cuối năm 2023, chỉ riêng khoản “nợ ẩn”, tức các khoản vay ngoài ngân sách thông qua các nền tảng tài chính của chính quyền địa phương, quỹ đầu tư của chính phủ và các kênh khác đã đạt mức 14.300 tỷ nhân dân tệ (hơn 2.000 tỷ USD).
Năm nay, một số nơi thiếu tiền nên phải cắt chi tiêu – chẳng hạn như giảm lương viên chức và tìm cách tăng thu – như truy thu thuế doanh nghiệp. “Vấn đề cơ bản là chi đang vượt thu, bởi ngân sách các địa phương không còn được hỗ trợ bởi việc bán đất và các phương tiện đầu tư của chính quyền địa phương”, Giáo sư Huang Yiping nói.
Vào tháng 11, Bộ Tài chính Trung Quốc công bố gói hỗ trợ “quan trọng nhất được đưa ra trong những năm gần đây” với mục tiêu giải quyết “nợ ẩn” cho chính quyền địa phương đến 2028. Gói hỗ trợ này bao gồm việc nâng trần nợ của chính quyền địa phương lên 6.000 tỷ nhân dân tệ (hơn 830 tỷ USD) trong 3 năm tới.
Ngoài ra, các chính quyền địa phương được phép sử dụng 800 tỷ nhân dân tệ mỗi năm thông qua việc phát hành trái phiếu chuyên dụng trong 5 năm liên tiếp nhằm cung cấp giải pháp giảm nợ thay thế cho các khoản “nợ ẩn”. Giới chức ước tính việc chuyển đổi các khoản nợ ngoài ngân sách sang ngân sách sẽ giúp chính quyền địa phương tiết kiệm 600 tỷ nhân dân tệ tiền lãi trong vòng 5 năm.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, hành động vẫn chưa đủ. Xing Zhaopeng, chuyên gia chiến lược Trung Quốc cấp cao, ANZ (Thượng Hải), cho rằng còn xa để giải quyết được rủi ro nợ của các chính quyền địa phương vì con số 6.000 tỷ nhân dân tệ là đáng khích lệ nhưng còn quá nhỏ.
Cùng quan điểm, Huang Xuefeng, Giám đốc nghiên cứu tại Shanghai Anfang Private Fund (Thượng Hải), nói nếu xét đến tình trạng thâm hụt tài khóa do suy thoái kinh tế và giảm thu từ bán đất, con số này không quá lớn. “Số tiền này được dùng để thay thế các khoản ‘nợ ẩn’, có nghĩa là nó không tạo ra dòng tiền mới, nên tác động hỗ trợ tăng trưởng GDP không trực tiếp”, ông chỉ ra.
Bộ trưởng Tài chính Lan Fo’an cho biết năm tới chính quyền sẽ tích cực tăng phát hành trái phiếu mục đích đặc biệt của chính quyền địa phương và chuyển thêm các khoản thu ngân sách từ trung ương cho các tỉnh thành.
Trung Quốc còn nhiều không gian để chọn giải pháp này vì khả năng chấp nhận thâm hụt ngân sách còn cao. Tính đến cuối 2023, nợ công nước này là 85.000 tỷ nhân dân tệ (11.900 tỷ USD), tỷ lệ 67,5% GDP. Trong khi, tỷ lệ trung bình của G20 và G7 lần lượt đã là 118,2% và 123,4%, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng việc căn cơ cần làm là đẩy nhanh cải cách phân cấp tài khóa. “Về cơ bản hơn, Trung Quốc cần định hình lại cán cân trách nhiệm tài chính giữa các cấp chính quyền”, Giáo sư Huang Yiping nhận định.
Bài toán lớn thứ ba là nguy cơ bị Mỹ tăng thuế hàng nhập khẩu. Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đã tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 60% với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ngay năm đầu tiên nhậm chức. Xuất khẩu sang Mỹ chiếm 3% GDP Trung Quốc nên các mức thuế mới sẽ tác động đáng kể đến tăng trưởng.
UBS đưa ra kịch bản giả định rằng thuế quan sẽ tăng 60% với khoảng ba phần tư hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ được thực hiện theo từng giai đoạn từ quý III/2025 đến quý II/2026. Đáp lại, Trung Quốc trả đũa hạn chế với các sản phẩm Mỹ được nhắm mục tiêu.
Kết quả, chi tiêu vốn của các doanh nghiệp có thể suy yếu đáng kể ngay từ năm 2025 và sụt giảm xuất khẩu đạt mức nghiêm trọng nhất vào 2026. “Ngay cả khi xem xét các khả năng thay đổi trong thương mại ba bên (Trung Quốc, Mỹ, các nền kinh tế còn lại) và sự thay đổi chuỗi cung ứng, chúng tôi ước tính tác động tiêu cực đối với tăng trưởng GDP có thể vượt 150 điểm cơ bản”, báo cáo UBS nêu.
Goldman Sachs Research lưu ý xuất khẩu mạnh là điểm sáng duy nhất trong nền kinh tế Trung Quốc năm nay, đóng góp 70% vào mức tăng trưởng. Dù các nhà xuất khẩu nước này có thể tiếp tục giành được thị phần ở các nước thị trường mới nổi trong bối cảnh thuế quan của Mỹ tăng, tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn có khả năng giảm mạnh. Do đó, đóng góp vào tăng trưởng của xuất khẩu có thể giảm đáng kể vào 2025.
Rủi ro với xuất khẩu sang Mỹ nghĩa là Trung Quốc cần dựa vào các nguồn tăng trưởng trong nước, nơi người tiêu dùng chịu ảnh hưởng bởi giá bất động sản giảm. Tuần trước, Bắc Kinh nêu kế hoạch mở rộng các chương trình trao đổi hàng tiêu dùng và thiết bị công nghiệp cho nhiều sản phẩm và lĩnh vực hơn để kích cầu.
Đã có nhiều cuộc tranh luận ở Trung Quốc về việc nền kinh tế cần cải cách cơ cấu hay nhiều biện pháp kích thích kinh tế vĩ mô hơn. Sự thật là nền kinh tế cần cả hai, theo Huang Yiping, với một gói kích thích quyết liệt, chính sách tài khóa mạnh mẽ phải được thực hiện trước. Sau đó, chuyển trọng tâm sang các cải cách cơ cấu, tập trung vào thúc đẩy niềm tin người tiêu dùng, nhà đầu tư và doanh nhân.
Hui Shan, Kinh tế trưởng Trung Quốc của Goldman Sachs, cho rằng lựa chọn trước mắt cho Bắc Kinh rất đơn giản: hoặc là cung cấp một liều bù đắp chính sách lớn hoặc chấp nhận mức tăng trưởng GDP thực tế thấp hơn đáng kể. “Chúng tôi hy vọng họ sẽ chọn phương án đầu tiên”, ông nói.
Theo nguồn tin Reuters, Bắc Kinh mới đây đã chốt kế hoạch phát hành 3.000 tỷ nhân dân tệ (411 tỷ USD) trái phiếu kho bạc đặc biệt vào 2025, tăng mạnh so với mức 1.000 nhân dân tệ năm nay và là mức cao nhất từ trước đến nay để tăng cường kích thích tài chính nhằm phục hồi nền kinh tế.
Số tiền thu được sẽ được dùng để thúc đẩy tiêu dùng thông qua các chương trình trợ cấp, nâng cấp thiết bị của các doanh nghiệp và tài trợ cho các khoản đầu tư vào những lĩnh vực tiên tiến thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cùng nhiều sáng kiến khác.
Theo Shan, nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với những trở ngại tăng trưởng đáng kể năm nay và giới chức cuối cùng đã bắt đầu nới lỏng mạnh mẽ hơn vào cuối tháng 9.
“Cách các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ chống chọi với cơn gió ngược để ổn định tiêu dùng trong nước và thị trường bất động sản, đồng thời kiểm soát căng thẳng thương mại mới Mỹ – Trung. Đó sẽ là chủ đề bao trùm của năm 2025”, ông dự báo.
Phiên An (tổng hợp)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ba-bai-toan-lon-cho-kinh-te-trung-quoc-2025-4831531.html