BAF hé lộ kế hoạch thâu tóm 6 công ty chăn nuôi
Ngày 30/10, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) công bố nhận chuyển nhượng thành công 95% vốn góp tại Công ty TNHH Chăn nuôi Công nghệ cao Khuyên Nam Tiến; Đồng thời, nhận chuyển nhượng 49% vốn góp tại 5 công ty chăn nuôi khác tại tỉnh Quảng Trị.
Cụ thể, BAF đã mua thành công 95% vốn góp tại Khuyên Nam Tiến tại Đắk Lắk với giá 47.5 tỷ đồng (Công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng).
Trong cùng ngày, Doanh nghiệp nhận chuyển nhượng cổ phần tại 5 công ty chăn nuôi khác tại Quảng Trị, gồm CTCP Toàn Thắng HT, CTCP Hoàng Kim QT, CTCP Việt Thái HT, CTCP Hoàng Kim HT-QT, và CTCP Thành Sen HT-QT. Lượng cổ phần nhận chuyển nhượng đều là 171,500 cp, tương ứng 49% vốn điều lệ.
Trao đổi tại buổi tiếp xúc với nhà đầu tư vào ngày 07/11, ông Ngô Cao Cường – CFO của BAF chia sẻ Doanh nghiệp hướng đến mua lại toàn bộ cả 6 công ty này. Với 5 đơn vị mua 49%, đại diện BAF cho biết đây là các công ty có quỹ đất, đang hoàn thiện pháp lý, và Doanh nghiệp sẽ mua lại toàn bộ sau khi hoàn tất các thủ tục này.
“Kế hoạch của BAF là phải mở rộng rất nhanh và quy mô lớn. Năm 2025, dự kiến chi khoảng 3,000 tỷ đồng, tương đương 15 trang trại tự xây. Trường hợp xây không kịp, BAF phải đi thuê hoặc tìm những nhà đầu tư, ông chủ có quỹ đất, có vốn, họ sẽ xây theo mô hình của BAF và chúng tôi thuê lại.
Có thể thấy BAF xây trại còn không kịp lượng heo đẻ ra, nên phải đẩy nhanh tiến độ thuê và xây trại. Bởi trường hợp không làm kịp là phải bán cả heo giống – những con heo đến tuổi phải phối, đẻ, nên sẽ bán cho người dân heo giống để tối ưu chi phí và lợi nhuận” – trích lời ông Cường.
Nguồn: BAF
|
Nguồn cung heo sẽ giảm
BAF tiết lộ, tháng 10/2024 chứng kiến giá heo có phần đi xuống vì nguồn cung heo bung mạnh ra ngoài thị trường. Nguyên nhân do các công ty, nông hộ bán heo chạy dịch, và ảnh hưởng do lũ lụt từ cơn bão Yagi khiến nhiều bên không còn chuồng trại để nuôi, phải bán tháo.
Bên cạnh đó, 1/1/2025, Luật chăn nuôi bắt đầu có hiệu lực là thách thức lớn cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là khối nông hộ, khi hàng chục ngàn hộ phải di dời ra khỏi khu vực không được phép. Việc di dời sẽ gây ảnh hưởng đến đàn. Trong khi đó, muốn lập trại mới không đơn giản vì phải đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh thú y. Do đó, lượng trại mới khó bù đắp nổi lượng di dời trong ngắn hạn.
Doanh nghiệp cho biết, năm 2024 đã có nhiều đơn vị nhập heo cụ, kỵ, nhưng từ đây ra được heo thịt phải mất gần 3 năm. Vì thế, năm 2025 sẽ chưa có nhiều heo thịt từ các đơn vị này, phải đến 2026 mới bắt đầu tung ra thị trường.
Dự báo, sản lượng heo thịt của năm 2024 sẽ giảm 20% so với 2023, và 6 tháng đầu năm 2025 có khả năng rơi vào tình trạng thiếu heo.
“Giá heo giảm thời gian qua giờ đã tạo đáy và quay đầu đi lên. Dự báo sẽ tiếp tục tăng vào các tháng cuối năm, đồng thời duy trì ở mức cao trong 6 tháng đầu năm 2025. Tháng 10 bán 46,000 heo thịt, doanh số tương ứng 337 tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng đầu năm, 486 ngàn con đã được bán ra, doanh số gần 2.7 ngàn tỷ đồng, gấp đôi cả năm 2023. Bối cảnh tình hình nguồn cung hạn chế, BAF sẽ tăng cường bán heo ra thị trường trong các tháng tới” – BAF thông báo.
Triển khai chào bán riêng lẻ 65 triệu cp
Ngày 08/11, BAF công bố Nghị quyết HĐQT về việc thông qua triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ, với tổng khối lượng dự kiến chào bán là 65 triệu cp, tương đương hơn 27% lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Giá chào bán là 15,500 đồng/cp, thấp hơn so với thị giá hiện tại của BAF (22,550 đồng/cp), dự kiến thực hiện trong năm 2024-2025. Tuy vậy, đây là phương án được lập vào đầu tháng 9/2024 khi thị giá BAF giao dịch quanh mức 18,000 đồng/cp. Cổ phiếu bán ra sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Đối tượng chào bán là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong và ngoài nước, đáp ứng các tiêu chí về tiềm lực tài chính và năng lực chuyên môn, có khả năng hỗ trợ BAF trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều hành, gia tăng giá trị và mở rộng thị trường. Các đối tác truyền thống, tiềm năng được ưu tiên. Theo danh sách công bố, có tổng cộng 24 nhà đầu tư chuyên nghiệp trong nước tham gia đợt chào bán này, hiện đang sở hữu gần 9.2 triệu cp BAF.
Về mục đích phát hành, với số tiền dự kiến thu về là hơn 1 ngàn tỷ đồng, BAF sẽ sử dụng để bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất chăn nuôi heo. Trong đó, gần 558 tỷ đồng là chi phí mua cám, phụ gia, nguyên vật liệu phục vụ các trang trại, dự kiến giải ngân từ quý 4/2024 – quý 4/2025; và 450 tỷ đồng để mua heo giống, cai sữa hoặc heo hậu bị, thời gian giải ngân tương tự.