Tại Khoản 25 Điều 5 dự thảo dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng đang trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 đề xuất sửa đổi quy định “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống” thành “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định” thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Theo đó, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội quy định mức doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế từ ngày 01/01/2026.
TRANH LUẬN VỀ NGƯỠNG CHỊU THUẾ
Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc trường hợp miễn lệ phí môn bài và không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật.
Tỷ lệ thuế trên doanh thu (tỷ lệ thuế giá trị gia tăng, tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân) được xác định dựa theo từng lĩnh vực, ngành nghề mà hộ kinh doanh hoạt động.
Đáng nói, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được trừ chi phí bỏ ra mà bao gồm tất cả doanh thu nhận được để áp thuế. Theo đó, mỗi tháng hộ, cá nhân kinh doanh đạt doanh thu trên 8,3 triệu đồng, tương đương khoảng 274.000 đồng/ngày là phải đóng thuế.
Giới phân tích cho rằng kể từ khi Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013 có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khá nhiều, vật giá leo thang nên quy định ngưỡng doanh thu không chịu thuế 100 triệu đồng/năm là vô cùng lạc hậu.
Trong lần sửa đổi này, Bộ Tài chính từng đề xuất nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế từ 100 triệu đồng/năm lên mức 150 triệu đồng/năm song theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, cơ quan góp ý, ngưỡng doanh thu chịu thuế này vẫn tương đối thấp. Nhiều ý kiến đề nghị miễn thuế giá trị gia tăng cho hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu lên mức 200 triệu đồng/năm, 250 triệu đồng/năm, thậm chí 300 triệu đồng/năm.
Vì vậy, thay vì quy định ngưỡng doanh thu là một con số cụ thể và được ấn định trong luật, trong lần trình Quốc hội cho ý kiến lần này, Bộ Tài chính đề xuất giao Chính phủ quy định mức doanh thu hàng năm được miễn thuế của hộ, cá nhân kinh doanh.
CĂN CỨ MỨC GIẢM TRỪ GIA CẢNH ĐỂ XÁC ĐỊNH NGƯỠNG
Đóng góp ý kiến ngưỡng doanh thu không chịu thuế theo Khoản 25 Điều 5 của dự thảo tại phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Hằng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, đề nghị nghiên cứu quy định rõ mức doanh thu tối thiểu hằng năm là bao nhiêu và giao cho Chính phủ quy định từ mức tối thiểu đó trở lên.
“Trong đó, lưu ý việc điều chỉnh mức doanh thu hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh phải phù hợp với mức biến động của giá cả và tình hình sản xuất kinh doanh”, bà Hằng nêu rõ.
“Dự thảo phải quy định rõ trong luật bởi theo khoản 2 Điều 55 của Hiến pháp quy định các khoản thu chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và được luật định, bởi việc xác định doanh thu thuế giá trị gia tăng sẽ tác động đến hoạt động thu ngân sách nhà nước trung ương và cả ngân sách của địa phương”.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh.
Đồng tình với ý kiến đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, ông Trịnh Xuân An, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho rằng mức 100 triệu này đã lạc hậu rồi. Tuy nhiên, nếu không quy định trong dự thảo luật mức áp doanh thu 100 triệu thì cần có tiêu chí cụ thể.
“Có thể sẽ lấy theo giảm trừ gia cảnh của Luật Thuế thu nhập cá nhân sắp tới đây sửa để chúng ta áp mức, chứ một vấn đề rất quan trọng này để quy định ở dưới luật thì không nên”, ông An bày tỏ.
Ủng hộ về việc linh động ngưỡng thu thuế với các hộ kinh doanh song đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, lại cho rằng nên giao quyền này cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở nguyên tắc dựa vào sự thay đổi của chỉ số giá và chỉ số về thu nhập quốc dân bình quân.
Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết tại Điều 25, Điều 5 dự thảo quy định giao cho Chính phủ quy định hàng hóa dịch vụ hộ gia đình, cá nhân không chịu thuế giá trị gia tăng. Luật Thuế giá trị gia tăng cần sửa đổi để đảm bảo phù hợp với xu thế của thế giới và thuế thật sự là một công cụ để bảo vệ nền kinh tế và phải thích ứng với quá trình điều hành và quản lý nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế vĩ mô.
“Tôi cho rằng việc phân cấp cho Chính phủ là một việc hết sức quan trọng và đảm bảo sự linh hoạt và hiệu quả trong quá trình điều hành”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay luật quy định dưới 100 triệu đồng/năm là không thu thuế song tiền ngày một trượt giá, cân đối với vấn đề tăng chỉ số CPI cũng như tăng lương, Chính phủ có thể quy định ngưỡng chịu thuế năm sau 150 triệu, năm sau nữa 200 triệu.
Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính phải đánh giá một cách toàn diện, từ chỉ số CPI đến các loại hàng hóa, đến vấn đề tăng lương, sự mất giá của đồng tiền, hay tác động của tỷ giá, khi đó mới đưa ra được con số cụ thể.
Chia sẻ kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết qua một đêm Bộ trưởng Bộ Tài chính sau khi xin ý kiến có thể áp giá ngay với mặt hàng thép, cá basa hay mặt hàng khác để bảo vệ nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, ở Việt Nam mất tới ít nhất 6 tháng mới có thể sửa được các sắc thuế.
“Chúng tôi rất mong đại biểu ủng hộ, còn nếu để Thường vụ Quốc hội thì chúng tôi cũng hoàn toàn đồng ý nhưng phải thêm các khâu thẩm định, trình lên trình xuống bao nhiêu lần mới ban hành được”, lãnh đạo Bộ Tài chính bày tỏ.