Ngành mía đường trong vài năm gần đây có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Trong 2021 – 2022, Bộ Công Thương ban hành các quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường nhập khẩu. Các chính sách ngày đã mang đến tín hiệu tích cực cho ngành mía đường Việt Nam, làm giảm tác động cạnh tranh không lành mạnh của đường Thái Lan đối với ngành sản xuất trong nước.
Đồng thời, tình trạng nguồn cung toàn cầu thiếu hụt đã đẩy giá đường lên cao kỷ lục sau dịch bệnh, hiện hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao. Trong nước, giá đường đang ở vùng trên 20.000 đồng/kg, tăng đáng kể so với vùng 11.000 – 12.000 đồng/kg trước 2019.
Nhờ vậy, nhiều công ty mía được ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan các năm qua. Là doanh nghiệp đầu ngành với thị phần lên đến 46% (số liệu 2023), Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS, mã: SBT) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng mạnh mẽ từ 12.889 tỷ đồng niên độ 2018 – 2019 lên 29.035 tỷ đồng niên độ 2023 – 2024, tức gấp 2,25 lần trong 5 năm.
Thế nhưng, dù có lợi thế là doanh nghiệp đầu ngành, quy mô lớn, biên lợi nhuận gộp công ty không được cải thiện theo doanh thu mà ngày càng suy giảm. Niên độ 2019 – 2020, TTC AgriS ghi nhận biên nhuận gộp 14,8%, nhưng các năm sau đó giảm dần, đến niên độ 2023 – 2024 thì chỉ đạt 10,6%, mức thấp nhất trong 5 năm.
Biên lợi nhuận gộp của TTC AgriS cũng thấp hơn so với nhiều đơn vị quy mô nhỏ hơn trong ngành như Mía Đường Sơn La (37,4%), Mía Đường Lam Sơn (13%), Đường Kon Tum (23%), Mía đường Cao Bằng (20,4%).
Sản lượng và thị phần chững lại
Công ty nhiều nguồn thu từ mật đường, bán điện, phân bón, dịch vụ cho thuê…, song bán đường vẫn đóng góp tỷ trọng lớn nhất từ 92% đến 93% tổng doanh thu mỗi năm. Trong các năm qua, doanh nghiệp liên tục tung ra nhiều dòng sản phẩm đường, cạnh đường, sau đường và nước uống. Tính đến hết niên độ 2022 – 2023, TTC AgriS có 88 dòng sản phẩm đường, 19 dòng sản phẩm cạnh đường – sau đường, 8 sản phẩm nước uống dinh dưỡng từ mía và nước tinh khiết…
Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh 2017 – 2018, sản lượng tiêu thụ của tập đoàn chững lại trong 5 năm gần đây và duy trì trên mốc 1 triệu tấn. Thị phần nội địa cũng chững lại quanh vùng 46%.
Công ty tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu, nếu như niên độ 2017 – 2018, quy mô xuất khẩu của công ty chỉ 6 quốc gia thì sau sau 5 năm đã nâng lên hơn 50 quốc gia.
Dù vậy, thị trường nội địa vẫn đóng góp doanh thu chủ yếu với tỷ trọng 73 – 74%. Mặt khác, doanh thu xuất khẩu ghi nhận đột biến vào niên độ 2021-2022 – đây cũng là năm tỷ trọng đóng góp kênh xuất khẩu lên đến 45% doanh thu – thì sụt giảm và đến nay chưa thể vượt lại được.
Với niên độ 2023 – 2024, doanh nghiệp công bố sản lượng tiêu thụ đường duy trì trên 1 triệu tấn, trong đó kênh nội địa chiếm 66% và xuất khẩu chiếm 34%. Doanh thu nội địa đạt 21.192 tỷ đồng, đóng góp 73% tổng doanh thu; xuất khẩu đạt 7.829 tỷ đồng, tỷ trọng 27%.
Mặt khác, công ty đã phát triển được vùng nguyên liệu 71.000 ha, tăng thêm 6.000 ha sau 5 năm. Doanh nghiệp đặt mục tiêu đến 2025 có thể nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu toàn cầu lên gần 90.000 ha, chủ yếu mở rộng ở thị trường Úc.
Với quy mô vùng nguyên liệu lớn, thị phần chiếm gần phân nửa trong nước và tích cực xuất khẩu thì việc TTC AgriS không tối ưu được lợi thế để có biên lợi nhuận gộp vượt trội trong ngành khá khó hiểu.
Gánh nặng chi phí lãi vay
Quy mô tổng tài sản của công ty tính đến 30/6/2024 đạt 34.078 tỷ đồng, tăng thêm hơn 4.100 tỷ đồng so với đầu niên độ. Đến 67% tổng tài sản được tài trợ bởi nợ phải trả, trong đó nợ vay là hơn 16.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu 1,4 lần.
Khoản nợ vay lớn ảnh hưởng khá nặng đến kết quả kinh doanh của TTC AgriS. Niên độ 2023 – 2024, chi phí lãi vay của công ty là 1.724,7 tỷ đồng, tăng 14,7% so với niên độ trước. Qua đó, công ty tăng lỗ mảng tài chính từ 681 tỷ đồng lên 731 tỷ đồng, ngốn 23% lợi nhuận gộp.
Do vậy, dù doanh thu hơn tỷ USD nhưng lợi nhuận ròng chỉ vài trăm tỷ đồng, niên độ 2022 – 2023 đạt 537 tỷ và niên độ 2023 – 2024 đạt 734 tỷ đồng.
Để khai mở các thị trường tiềm năng và đạt doanh thu 60.000 tỷ đồng, TTC AgriS vẫn đang tích cực huy động vốn từ nhiều kênh như trái phiếu, vốn từ các định chế tài chính lớn. Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch chào bán 148 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giá 12.000 đồng/cp nhưng tạm dừng cho thị trường chứng khoán diễn biến không thuận lợi.