Trong biểu lãi suất huy động mới nhất áp dụng từ đầu tháng 12-2024, GPBank tăng mạnh lãi suất ở nhiều kỳ hạn.
Hiện khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng tại GPBank được hưởng lãi suất 3,7%/năm; kỳ hạn 5 tháng là 4,25%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng mạnh lên 5,55%/năm. Lãi suất cao nhất là 6,35%/năm khi khách gửi tiết kiệm từ 13 tháng trở lên. Các mức lãi suất này tăng cao nhất khoảng 0,95 điểm % so với biểu lãi suất trước đó.
GPBank là một trong các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, đang trong quá trình tái cơ cấu, chờ nhận chuyển giao bắt buộc.
Theo ghi nhận của phóng viên, một số ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt cũng có mức lãi suất huy động vượt 6%/năm như tại DongABank. Biểu lãi suất huy động mới nhất, DongABank niêm yết lãi suất kỳ hạn 1 tháng 3,9%/năm; kỳ hạn 6 tháng là 5,55%/năm và lãi suất cao nhất là 6,1%/năm khi khách gửi tiết kiệm dài từ 18 tháng.
Tại Oceanbank, khi khách gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng là 4%/năm; 6 tháng là 5,3%/năm và lãi suất cao nhất cũng ở mức 6,1%/năm khi khách gửi dài trên 18 tháng.
Trong khi đó, CBBank huy động lãi suất tiền gửi ở mức thấp hơn. Khách gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng tại ngân hàng này là 3,85%/năm; 6 tháng là 5,45%/năm và kỳ hạn dài trên 13 tháng lãi 5,7%/năm.
Diễn biến đáng chú ý ở một ngân hàng khác cũng đang bị kiểm soát đặc biệt là SCB, với mức lãi suất huy động rất thấp. Theo biểu lãi suất được công bố, SCB huy động lãi suất tiền gửi 1 tháng là 1,9%/năm; 6 tháng 2,9%/năm và cao nhất là 15 tháng với lãi suất 3,9%/năm.
Liên quan đến quá trình tái cơ cấu của các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, hiện CBBank được chuyển giao cho Vietcombank và OceanBank được chuyển giao về MB.
Hai ngân hàng khác là GPBank và Dong A Bank, Ngân hàng Nhà nước cho hay đang chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao rà soát và sẽ có phương án sớm nhất để nhận chuyển giao bắt buộc. Trong quá trình này, quyền lợi của người gửi tiền trước, trong và sau chuyển giao bắt buộc được bảo đảm an toàn, tuân thủ các quy định của nhà nước.