Bộ Tài chính vừa có báo cáo về kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động năm 2023 đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Số liệu này được tổng hợp từ 143 doanh nghiệp khối trung ương, dựa trên cơ sở báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và các doanh nghiệp.
Báo cáo trên không bao gồm Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC – tiền thân là Vinashin) do đơn vị này đang thực hiện tái cơ cấu theo kết luận, chủ trương của cấp có thẩm quyền. Bộ Tài chính sẽ có báo cáo đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính đối với SBIC để báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi nhận được báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán, báo cáo giám sát tài chính cũng như đánh giá hiệu quả hoạt động của Bộ Giao thông vận tải.
Theo trên, trong số 143 doanh nghiệp có 136 doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Còn lại 7 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, bao gồm: Công ty TNHH Thiết bị giáo dục nghề nghiệp, Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long, Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp, Công ty TNHH MTV Hà Thành, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch, Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tổng doanh thu của khối doanh nghiệp thuộc bộ, cơ quan ngang bộ năm 2023 là 1.357 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu của các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu là 886,5 nghìn tỷ đồng (tăng 3% so với năm 2022), chiếm 65,3% tổng doanh thu năm 2023.
Tổng doanh thu của các doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện chủ sở hữu là 180 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2022 và chiếm 13,3% tổng doanh thu năm 2023.
Một số “ông lớn” doanh nghiệp nhà nước có doanh thu lớn trong năm 2023 được Bộ Tài chính nêu trong báo cáo gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): 420,5 nghìn tỷ đồng (tăng 9,1% so với năm 2022); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam): 213,3 nghìn tỷ đồng (giảm 1,25% so với năm 2022); Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank): 177,9 nghìn tỷ đồng (tăng 11,3% so với năm 2022); Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam: 149,2 nghìn tỷ đồng (tăng 2,8% so với năm 2022); Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel: 103,5 nghìn tỷ đồng (tăng 2,4% so với năm 2022).
Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2023 là 101,96 nghìn tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu là 38,9 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ mức lợi nhuận năm 2022 là 39 nghìn tỷ đồng), chiếm 38,2% tổng lợi nhuận sau thuế năm 2023.
Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện chủ sở hữu là 20,9 nghìn tỷ đồng, tăng 16,75% so với năm 2022 và chiếm 20,5% tổng lợi nhuận năm 2023.
Một số doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế cao như: Viettel là 32,2 nghìn tỷ đồng; Agribank là 20,5 nghìn tỷ; Petrovietnam là 20,4 nghìn tỷ đồng.
“Tổng số lỗ phát sinh năm 2023 của 7 doanh nghiệp là 23,55 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát sinh lỗ lớn là 23,53 nghìn tỷ đồng, 6 doanh nghiệp còn lại lỗ 20 tỷ đồng”.
Báo cáo của Bộ Tài chính.
Các doanh nghiệp gánh lỗ trong năm 2023 đó là Công ty TNHH Thiết bị giáo dục nghề nghiệp lỗ phát sinh 82 triệu đồng, Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long lỗ 15 tỷ đồng, Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp lỗ 639 triệu, Công ty TNHH MTV Hà Thành lỗ 276 triệu đồng, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch lỗ 339 triệu đồng, Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương lỗ 4,6 tỷ đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát sinh lỗ lớn là 23,53 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính, tổng số lỗ lũy kế đến hết năm 2023 là 53,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ghi nhận lỗ lũy kế lên 50,6 nghìn tỷ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) lỗ lũy kế 1,93 nghìn tỷ đồng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ lũy kế 884 tỷ đồng.
Mặc dù 2 lần tăng giá điện trong một năm nhưng năm 2023, EVN vẫn lỗ sau thuế 26.772 tỷ đồng, trước đó năm 2022 đã lỗ 20.747 tỷ đồng. Trong tháng 5/2024, EVN còn được ban hành cơ chế điều chỉnh giá điện trong 3 tháng theo Quyết định 05/2024 QĐ-TTg so với 6 tháng trước đây.
Dù vậy, sau 2 năm lỗ liên tiếp, nửa đầu năm 2024, “ông lớn” ngành điện lực gánh lỗ thêm 8.000 tỷ đồng và kỳ vọng cải thiện tình hình kinh doanh trong nửa cuối năm. Lãnh đạo EVN cho rằng những khó khăn của tập đoàn trong cân đối tài chính thời gian qua do những yếu tố khách quan.
Cũng theo Bộ Tài chính, về số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước năm 2023, các doanh nghiệp đã nộp 118,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, một số doanh nghiệp có số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước lớn như: Viettel là 37,8 nghìn tỷ đồng, Petrovietnam là 22,7 nghìn tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam là 10,9 nghìn tỷ đồng, Agribank là 8,4 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính, có 5 doanh nghiệp báo cáo có số nợ quá hạn là 580,9 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Hà Thành nợ quá hạn 233,7 tỷ đồng, chiếm 43% tổng số nợ quá hạn.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy trong số 143 doanh nghiệp có 107 doanh nghiệp được đánh giá an toàn về tài chính.
Bên cạnh đó, có 10 doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính, đơn cử là: Công ty TNHH Thiết bị giáo dục nghề nghiệp, Công ty TNHH MTV Ứng dụng và phát triển công nghệ – NEAD, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch, Công ty TNHH MTV Hàng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thế giới, Tổng công ty Cà phê Việt Nam.
Đáng quan ngại, 4 doanh nghiệp mất an toàn về tài chính, đó là: Công ty TNHH MTV Hà Thành, Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long, Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp, Công ty TNHH MTV XNK Nông sản, thực phẩm Hà Nội. Còn lại 22 doanh nghiệp chưa được cơ quan đại diện chủ sở hữu tổng hợp, đánh giá.