Lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể song chi phí hoạt động tiếp tục là gánh nặng đối với Habeco – chủ thương hiệu Bia Hà Nội.
Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Mã BHN – HoSE) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với doanh thu thuần hơn 2.300 tỷ đồng – tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Việc tiết giảm giá vốn bán hàng giúp lợi nhuận gộp tăng 21,3% lên mức 643 tỷ đồng; biên lãi gộp cải thiện lên 27,9%.
Kỳ này, công ty có thêm gần 40 tỷ đồng doanh thu tài chính (giảm 32% YoY) và 4,9 tỷ đồng lợi nhuận khác. Ngược lại, chi phí hoạt động tăng mạnh lên mức 472 tỷ đồng (+104 tỷ).
Sau cùng, Habeco báo lãi sau thuế gần 172 tỷ đồng – giảm so với mức 188,4 tỷ của cùng kỳ năm trước. Dù vậy, đây vẫn là mức cao nhất 4 quý của công ty, đồng thời tích cực hơn nhiều so với khoản lỗ 21 tỷ đồng trong quý I.
Lũy kế 6 tháng, ông lớn ngành nước giải khát khu vực phía Bắc đạt hơn 3.600 tỷ đồng doanh thu và gần 151 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 11,2% và giảm 18% YoY. Đây là mức lợi nhuận bán niên thấp nhất tính từ năm 2021. Biên lợi nhuận ròng sau nửa đầu năm chỉ đạt gần 4,2%.
Theo ghi nhận, nỗ lực gia tăng doanh số bán hàng đã giúp biên lợi nhuận gộp của habeco cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng mạnh bào mòn đáng kể phần lợi nhuận tăng thêm. 6 tháng đầu năm, Habeco chi hơn 570 tỷ đồng cho chi phí quảng cáo (+29% YoY).
Trong số này, chi phí quảng cáo, khuyến mãi tăng hơn 100 tỷ đồng lên mức 270 tỷ. Trung bình, công ty chi 1,48 tỷ đồng cho khoản mục này mỗi ngày. Các khoản như chi phí nhân viên, chi phí bốc xếp vận chuyển hàng bán cũng tăng đáng kể.
Dự báo thị trường đồ uống còn nhiều tiêu cực, năm 2024, Habeco đặt kế hoạch doanh thu 6.543 tỷ đồng và lãi sau thuế 202 tỷ – đều thấp hơn kết quả thực hiện năm trước. Sau nửa năm, công ty đã hoàn thành phân nửa chỉ tiêu.
Đến cuối tháng 6, danh mục tiền/tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn của BHN tăng mạnh lên mức 4.250 tỷ đồng – chiếm hơn 58% cơ cấu tài sản. Nợ phải trả tăng lên gần mức 5.200 tỷ đồng trong đó dư nợ vay tài chính chỉ chưa đến 60 tỷ đồng.
Việc phải chi đậm cho các khoản chi phí là hệ quả của Nghị định 100 nhằm giảm tác hại bia, rượu và đồ uống có cồn. Theo Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), ngành bia giảm 11% doanh thu và 23% lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 do chính sách kiểm soát nồng độ cồn. Ngoài ra, lĩnh vực này còn chịu ảnh hưởng bởi người dân thắt chặt chi tiêu, giá nguyên vật liệu tăng và mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng căng thẳng.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ngành bia rượu – nước giải khát sẽ chịu tác động khi phải tăng thuế theo lộ trình, bao gồm cả sản phẩm nước giải khát có đường.
Theo đánh giá của VBA, những chính sách này càng khiến doanh nghiệp liên quan, trong đó có “khó chồng khó”. So với cùng kỳ năm ngoái, mức thuế Habeco phải nộp tính đến cuối quý II/2024 đã tăng thêm 23% YoY, đạt mức 485 tỷ đồng.
|