Chi tiết

BIDV chốt ngày chia cổ tức và tăng vốn điều lệ

TQT (9)
HĐQT BIDV chính thức công bố ngày 24/12/2024 là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu-Ảnh Quốc Tuấn

Đây là ngân hàng đầu tiên trong nhóm Big 3 công bố chia cổ tức vào những tháng còn lại của năm 2024. Theo đó, BID chia cổ tức với tỷ lệ 21%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 21 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu phát hành được lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau khi trích lập các quỹ năm 2022.

Theo kế hoạch, BID sẽ phát hành hơn 1,197 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức, với thời gian phân bổ dự kiến từ tháng 12/2024 đến tháng 1/2025. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của BID dự kiến tăng tối đa thêm 11.981 tỷ đồng, từ mức 57.004 tỷ đồng lên 68.975 tỷ đồng.

BIDV cho biết số vốn tăng thêm sẽ được sử dụng để bổ sung vốn kinh doanh, tập trung vào các hoạt động cốt lõi như tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới và mở rộng mạng lưới kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong năm 2024, BID chưa thực hiện bất kỳ đợt chi trả cổ tức nào. Lần chia cổ tức gần nhất của ngân hàng là vào tháng 12/2023.

Ngoài việc tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu chia cổ tức, ngân hàng cũng dự kiến chào bán hơn 1.600 tỷ đồng từ việc phát hành thêm cổ phiếu bằng hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ. BIDV cho biết số cổ phiếu chào bán riêng lẻ áp dụng với đối tượng là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, có thể bao gồm một số cổ đông hiện hữu của ngân hàng. Giá chào bán sẽ xác định theo nguyên tắc giá thị trường, số cổ phần chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Về tăng trưởng tín dụng, theo ban lãnh đạo BIDV, ngân hàng sẽ sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được NHNN phê duyệt là 14,04% trong năm nay.

Theo các chuyên gia, việc tăng vốn điều lệ là điều kiện cần thiết của BID nói riêng và nhóm Big 3 có cơ sở nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế và tăng năng lực quản trị và hoạt động của các ngân hàng. Đây cũng là điều kiện cần để BID nói riêng và các Big 3 niêm yết nói chung thực hiện được các nhiệm vụ với vai trò nhà băng hỗ trợ nền kinh tế và hướng tới thực hiện chiến lược “Phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á …

Đánh giá về triển vọng kinh doanh, Chứng khoán MBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của BID sẽ đạt 14% trong năm 2024-2025. Trong Quý 3/2024, tăng trưởng tín dụng của BID đạt 9,9% so với đầu năm (tăng 3,7% so với quý trước). Con số này cao hơn mức trung bình của các ngân hàng cùng ngành (9,0%) chủ yếu do nhu cầu cao hơn từ khách hàng SME và bán lẻ.

Với lượng khách hàng cá nhân lớn, đứng thứ 4 trong số các ngân hàng niêm yết (23 triệu khách hàng), MBS cho rằng phân khúc cá nhân của BID sẽ phục hồi mạnh mẽ trong Quý 4/2024 khi nền kinh tế và nhu cầu tín dụng bán lẻ tiếp tục phục hồi. Dự báo tăng trưởng tín dụng của BID sẽ duy trì ở mức 14% trong năm 2025 nhờ vào sự phục hồi của thị trường bất động sản với tác động của việc thông qua Luật Đất đai 2024.

Luật các Tổ chức Tín dụng sửa đổi cũng sẽ cho phép các ngân hàng xử lý nợ xấu bằng cách chuyển nhượng một phần các dự án bất động sản để thu hồi nợ, cung cấp cho ngân hàng lựa chọn giải quyết bổ sung và giải phóng dòng tiền.

Cho đến thời điểm này, BIDV vẫn là ngân hàng hàng đầu trong việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. BID chủ động giảm lợi suất tài sản để kích thích tăng trưởng tín dụng. MBS dự phóng NIM sẽ cải thiện nhẹ theo quý trong Quý 4/2024, đạt 2,41% trong năm 2024, khi BID đã giải ngân 90% gói tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Hiện phần lớn giá trị của ngân hàng phụ thuộc vào giá trị sổ sách tại thời điểm định giá, với phương pháp thu nhập thặng dư MBS duy trì khuyến nghị với giá mục tiêu của BID là 51.800 đồng/cp. Tuy nhiên khi nắm giữ cổ phiếu BID nhà đầu tư lưu ý những rủi ro như nhu cầu tín dụng tiêu dùng phục hồi chậm hơn mong đợi, và lãi suất cho vay giữ ở mức thấp lâu hơn dự kiến. Chi phí dự phòng cao hơn dự kiến do gia tăng nợ xấu hoặc thời gian giải quyết nợ xấu lâu hơn mong đợi… Bên cạnh đó, tính thanh khoản của tài sản thế chấp và ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay nhiều hơn để hỗ trợ khách hàng, ảnh hưởng tiêu cực đến NIM của BID.


Source link