Biến động địa chính trị mở ra cơ hội, xuất khẩu Vinamilk tăng trưởng hai chữ số trong tháng 7
Chiều 27/08, tại buổi hội thảo trực tuyến do Chứng khoán TP HCM (HSC) phối hợp tổ chức cùng CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM), đại diện Vinamilk tiết lộ tình hình bán hàng ở thị trường quốc tế đang rất khả quan. Đồng thời, xu hướng giá nguyên liệu thuận lợi được kỳ vọng giúp Công ty tiếp tục duy trì hiệu quả kinh doanh trong nửa cuối năm.
Theo chia sẻ của Trưởng Ban Quan hệ Nhà đầu tư Vinamilk – ông Đồng Quang Trung, hoạt động kinh doanh quốc tế của ông lớn ngành sữa bùng nổ trong quý 2/2024, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, nhờ xuất khẩu tích cực và sự hiệu quả của các chi nhánh nước ngoài.
Vinamilk đạt doanh thu kỷ lục trong quý 2/2024
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: Hội thảo “Connecting 2 Customers” do HSC phối hợp tổ chức cùng Vinamilk
|
Doanh thu xuất khẩu Vinamilk tăng vọt trong quý 2/2024
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: Hội thảo “Connecting 2 Customers” do HSC phối hợp tổ chức cùng Vinamilk
|
Ông Trung cho biết, kết quả này đạt được nhờ Vinamilk sở hữu danh mục sản phẩm xuất khẩu rất đa dạng, từ đó đáp ứng tốt nhu cầu của các thị trường.
Bên cạnh đó, trong thời gian nguồn cung sản phẩm sữa đến các thị trường xuất khẩu giảm do gặp vấn đề cung ứng vì bất ổn địa chính trị, Vinamilk vẫn giữ được cam kết với khách hàng, qua đó xây dựng lòng tin và có thêm nhiều đơn hàng mới. “Biến động địa chính trị mở ra cơ hội cho các công ty kiên quyết bám trụ” – ông Trung nhấn mạnh.
Sự khả quan tiếp diễn trong 7/2024, đại diện Vinamilk cho biết Công ty tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hai chữ số ở kênh xuất khẩu.
Tình hình làm ăn của các chi nhánh Vinamilk ở nước ngoài, tại Campuchia và Mỹ, cũng cho thấy sự khởi sắc. Ông Trung tiết lộ rằng Vinamilk là đơn vị duy nhất sở hữu nhà máy sữa hiện đại tại Campuchia, tạo nên lợi thế lớn so với các đối thủ – vốn chỉ là những nhà nhập khẩu và phân phối. Thêm vào đó, thị trường Campuchia cũng đang gặt hái kết quả từ những nỗ lực marketing trong các quý trước.
Tại thị trường Mỹ, nhà máy mang thương hiệu Driftwood của Vinamilk đã khôi phục được nguồn cung bao bì trong năm 2024. “Chúng tôi nhờ vậy có thể đảm bảo hoàn thành đơn hàng nên doanh thu tại đây có sự tăng trưởng tốt”, ông Trung tiết lộ.
Nhìn về tương lai xa hơn, đại diện Vinamilk cho biết các thị trường lân cận với Việt Nam như Đài Loan và Nhật Bản đang nằm trong tầm ngắm mở rộng, bởi ở đây có cộng đồng người Việt sinh sống đông đảo.
Một vấn đề được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm là nguy cơ giá nguyên liệu tăng trở lại, có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp. Ông Trung giải thích rằng, trong giai đoạn từ 2021-2022, giá nguyên liệu dùng cho sản xuất sữa tăng mạnh do vấn đề đứt gãy nguồn cung, nhưng hiện nay không thấy rủi ro nào tương tự. Theo vị này, giá mua nguyên liệu bột sữa của Vinamilk hiện cũng đã quay về mức trước dịch Covid.
Đại diện Vinamilk lưu ý rằng, nhu cầu bột sữa trên thị trường thế giới hiện nay không cao. Đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu bột sữa đã giảm đáng kể do kinh tế suy yếu, và nước này cũng gia tăng nguồn cung nguyên liệu nội địa trong những năm qua.
“Việc Trung Quốc dần giảm nhu cầu nhập khẩu bột sữa giúp Vinamilk hưởng lợi, bởi chúng tôi có khả năng mua nguyên liệu đầu vào từ nguồn cung ở Úc và New Zealand với giá tốt hơn” – ông Trung nói.
Cũng trong buổi hội thảo, một thông tin đáng chú ý là sau khi kết quả kinh doanh quý 2/2024 ấn tượng được công bố, cổ phiếu VNM đang được khối ngoại gom mua trở lại sau giai đoạn dài liên tục bán ròng. Trong vòng một tháng gần nhất tính đến ngày 23/08, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2.2 ngàn tỷ đồng mã VNM.
10 cổ phiếu khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong vòng một tháng đến ngày 23/08/2024
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: Hội thảo “Connecting 2 Customers” do HSC phối hợp tổ chức cùng Vinamilk
|