Chi tiết

Big_Trends: Tập trung vào hoạt động cơ cấu danh mục

(ĐTCK) Chỉ cần 3 phiên tăng điểm trở lại trong tuần giao dịch vừa qua từ 1.240 – 1.270 điểm đi kèm đà tăng giá mạnh của nhiều cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, xây dựng và vật liệu, dầu khí… cũng xác nhận pha điều chỉnh kết thúc để bước vào giai đoạn tăng điểm.

Chúng ta đã có lý khi cho rằng diễn biến TTCK giai đoạn cuối tháng 9 sẽ khả quan hơn. Câu hỏi đặt ra giai đoạn này đó là khi nào thị trường sẽ quay lại đỉnh cũ và khi nào thì vượt đỉnh mới mà thôi.

Tuần qua, sự kiện đáng chú ý nhất đó là thông báo hạ lãi suất 0,5% từ Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED) đã tạo ra một cú hích đối với tâm lý nhà đầu tư toàn cầu trong đó có Việt Nam. Tất nhiên, diễn biến tích cực của TTCK thế giới đã hấp thụ thông tin này để từ các phiên giao dịch trong tháng – Chỉ số DJ, S&P500 thậm chí đã vượt đỉnh mới trước khi thông tin hạ lãi suất của FED.

Điều mà giới chuyên môn, các nhà phân tích và các nhà đầu tư vĩ mô quan tâm đó là xu hướng cắt giảm lãi suất của FED, các ngân hàng trung ương ở các kỳ họp sắp tới. Nếu tín hiệu “nới lỏng” đã và đang trở nên rõ ràng hơn thì hoạt động đầu tư trên các TTCK thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở nên thuận lợi hơn. Triển vọng tăng trưởng kinh tế tăng cao, thu nhập của các doanh nghiệp niêm yết được cải thiện. Nhìn chung các nhà đầu tư thích điều này.

Chuyện gì đến cũng đã đến khi TTCK đã ở mức quá bán 1 -2 tuần trước và cuối cùng quá trình hồi phục đã diễn ra. Thanh khoản chưa cần tăng mạnh thì các chỉ số chứng khoán, các cổ phiếu riêng lẻ không chỉ xác nhận đáy mà còn hồi phục mạnh trở lại.

Diễn biến tăng trở lại khu vực 1.270 – 1.275 điểm không bất ngờ kể cả việc tích lũy và quay trở lại mốc đỉnh cũ 1.280 – 1.290 điểm trong tuần tới cũng không khiến nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên. Khó khăn sẽ là việc nếu thị trường chỉ tích lũy và hồi phục “nhẹ” trong tuần tới thì cổ phiếu nào sẽ tăng mạnh – nhóm cổ phiếu ngân hàng hay nhóm cổ phiếu dẫn dắt – nhóm cổ phiếu chứng khoán hay nhóm cổ phiếu thép, dầu khí, bất động sản, hóa chất.

Vẫn phải lựa chọn cổ phiếu có mức tăng giá tốt hơn so với các cổ phiếu khác trong khi thị trường đang có diễn biến thuận lợi, nhưng việc chọn lựa này không dễ dàng. Sự lựa chọn mua vào cổ phiếu không chỉ là sự hiểu biết của nhà đầu tư đối với cổ phiếu, cảm giác an toàn khi mua một cổ phiếu đang có nhiều người cùng mua hay cổ phiếu đang có nhiều thông tin hỗ trợ cho dù nó đã và đang tăng giá nhanh trong giai đoạn vừa qua.

Hoạt động đầu tư có hiệu quả hay không vẫn còn phụ thuộc vào việc quản lý danh mục – việc mua cổ phiếu gì ít hay nhiều hay số lượng cổ phiếu nắm giữ đôi khi quan trọng hơn so với việc mua cổ phiếu gì thời điểm nào. Quản lý danh mục cũng sẽ khó khăn hơn nếu nhà đầu tư mua nhiều cổ phiếu trong cùng một nhóm ngành ví dụ mua cả 2 – 4 cổ phiếu ngân hàng hoặc chứng khoán hoặc thép, dầu khí, hóa chất, bất động sản.

Giai đoạn này rõ ràng không còn phải đợi chờ việc thị trường tích lũy tạo đáy nữa mà sẽ là đợi thị trường hồi phục tăng điểm lên các mốc 1.300 và xa hơn để chọn lựa đầu tư và giao dịch cổ phiếu có mức sinh lời tốt.

Việc đầu tư tập trung vào một số cơ hội tiềm năng nhất sẽ mang lại hiệu suất sinh lời cao, nhưng đâu mới là cơ hội lớn đó, liệu cổ phiếu ngân hàng VCB, CTG, ACB, STB, MBB có phải là cơ hội hay các cổ phiếu chứng khoán HCM, MBS, SSI, FTS; cổ phiếu dầu khí PVS, PVB, PVD, GAS, hay hóa chất DGC, CSV, BFC… Trước khi phân bổ danh mục lại, tập trung hơn, hiệu quả hơn, thì một số nhà đầu tư lại quan tâm đến danh mục hiện tại. Một số cổ phiếu đang nắm giữ vẫn đang lỗ thì chắc chắn sẽ phải nắm giữ tiếp.

Chỉ khi việc cơ cấu hoặc giảm bán bớt tỷ trọng cổ phiếu vừa giảm cổ phiếu lãi thì việc tái đầu tư sẽ thuận lợi hơn. Tuần giao dịch tới sẽ rất quan trọng cho hoạt động cơ cấu danh mục khi thị trường hứa hẹn tích lũy có có diễn biến khởi sắc ở nhiều cổ phiếu.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/big-trends-tap-trung-vao-hoat-dong-co-cau-danh-muc-post354258.html