Thoái vốn ở Bidiphar trong giai đoạn 2024-2025
UBND tỉnh Bình Định vừa có báo cáo về việc thoái toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại Công ty CP Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định (13,34% vốn điều lệ) và Công ty CP Khoáng sản Bình Định (25% vốn điều lệ).
Đối với Công ty CP Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định Định (Bidiphar, Mã: DBD), hiện, địa phương đang tiếp tục xây dựng phương án, tổ chức thực hiện thoái vốn hoàn thành trong giai đoạn 2024-2025.
Về tình hình kinh doanh, trong quý III/2024, doanh thu thuần của DBD đạt hơn 452,4 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 80,1 tỷ đồng; lần lượt tăng 10% và 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế sau 9 tháng năm 2024, doanh thu thuần của DBD đạt hơn 1.269 tỷ đồng (tăng 5,1% so với cùng kỳ), tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm 3% về hơn 246 tỷ đồng.
Trong năm 2024, DBD đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng. Như vậy, “ông lớn” ngành dược miền Trung đã hoàn thành hơn 63% kế hoạch doanh thu, hơn 76,8% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.
Sau 9 tháng, doanh thu từ kênh ETC (thuốc kê đơn) đạt hơn 802,9 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Hiện, DBD cung ứng cho hơn 2.000 cơ sở y tế quan kênh này. Còn doanh thu từ kênh OTC (thuốc không kê đơn) đạt hơn 420 tỷ đồng, tăng 1,7%, so với cùng kỳ. Qua kênh này, DBD cũng đang cung ứng cho gần 20.000 nhà thuốc, quầy thuốc trên toàn quốc.
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Bidiphar cho hay, trong những tháng cuối năm 2024, doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc củng cố, mở rộng thị phần trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) để ra mắt các sản phẩm mới.
Đồng thời, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào hai dự án quan trọng là Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ và Nhà máy OSD Non-Betalactam.
“Về dài hạn, Bidiphar cam kết phát triển bền vững và giữ vững vị thế là doanh nghiệp đi đầu trong ngành sản xuất dược phẩm tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu trở thành một trong ba công ty dược phẩm hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2030”, bà Hương cho hay.
Sẽ thoái vốn ở Khoáng sản Bình Định trong quý IV/2024
Đối với Công ty CP Khoáng sản Bình Định (Mã: BMC), Quỹ đầu tư Phát triển tỉnh Bình Định – đơn vị đại diện 25% vốn của UBND tỉnh này tại BMC – sẽ bán toàn bộ gần 3,1 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm là 22.300 đồng/cổ phần.
Thời gian thực hiện chuyển nhượng vốn kể từ quý IV/2024. Nếu bán thành công, UBND tỉnh Bình Định sẽ thu hơn 69 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Bình Định, Sở Tài chính tỉnh này đã phối hợp với đại diện phần vốn Nhà nước thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu “Thuê tổ chức tư vấn để thực hiện thoái vốn Nhà nước tại BMC”. Hiện, người đại diện phần vốn nhà nước đang tiếp tục triển khai thực hiện các bước tiếp theo trong việc thoái vốn nhà nước tại BMC.
Trong chứng thư thẩm định giá của Công ty CP Đầu tư và Thẩm định giá Thành Nam, đơn vị này đã chỉ ra nhiều rủi ro kinh doanh của BMC.
Cụ thể, sản phẩm của BMC chủ yếu là quặng titan. Tuy nhiên, hiện, Nhà nước có chủ trương hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô, đòi hỏi doanh nghiệp phải tiến hành đầu tư chế biến sâu để nâng cấp sản phẩm.
Đồng thời, do trữ lượng mỏ có hạn (khoảng 500.000 tấn) mà năng suất của BMC ngày càng tăng qua các năm, từ đó, doanh nghiệp gặp rủi ro lớn khi khai thác hết mỏ quặng mà vẫn chưa khảo sát được hoặc xin giấy phép khai thác tại mỏ khác…
Về tình hình kinh doanh, 6 tháng năm 2024, doanh thu thuần của BMC đạt hơn 88,3 tỷ đồng, tăng hơn 28,5% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 14,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 11,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 25,4% và 26,3% so với cùng kỳ.
Năm 2024, BMC đặt mục tiêu doanh thu 180 tỷ đồng, tương đương với kết quả thực hiện trong năm 2023; lợi nhuận sau thuế 17 tỷ đồng, giảm gần 30% so với kết quả thực hiện năm 2023. Với kết quả này, BMC đã thực hiện được 67,6% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Bidiphar tiền thân là Công ty Dược Trang thiết bị Y tế Bình Định được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty TNHH Một Thành viên do UBND tỉnh Bình Định làm chủ sở hữu. Từ tháng 3/2014, Bidiphar chuyển đổi hình thức hoạt động từ Công ty TNHH Một Thành viên sang mô hình công ty cổ phần.
Bidiphar có 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Thương mại Bidiphar (vốn điều lệ 30 tỷ đồng) và Công ty Công ty TNHH MTV dược liệu hữu cơ Bidiphar (vốn điều lệ 5 tỷ đồng), 1 công ty liên kết là Công ty CP Cao Su Bidiphar (vốn điều lệ 212,8 tỷ đồng).
Còn BMC tiền thân là Công ty Khoáng sản Bình Định được thành lập năm 1985, là một trong những doanh nghiệp có uy tín và tiên phong trong lĩnh vực khai thác sa khoáng tại Bình Định, cũng như Việt Nam. Đến năm 2001, BMC chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần. BMC có vốn điều lệ của BMC gần 124 tỷ đồng, tương ứng gần 12,4 triệu cổ phần.