Chiều 30/12, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành GTVT.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh cho biết, trong năm 2024, ngành GTVT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, về đường bộ, đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành; đã khởi công 8 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 7 dự án, đặc biệt hoàn thành 2 dự án thành phần còn lại đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm để hoàn thành toàn bộ dự án Đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017-2020, nâng tổng số km đường cao tốc cả nước đến nay lên 2.021 km; đã rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu quyết liệt tổ chức triển khai để hoàn thành mục tiêu 3.000 km vào năm 2025; đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư 8 trạm dừng nghỉ, đang triển khai mời thầu 13 trạm dừng nghỉ còn lại.
Về hàng không, đã trình Quốc hội thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành; tiến độ các dự án sân bay Long Thành, dự án Nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn nhất cơ bản được bảo đảm, đặc biệt dự án thành 2, 3 sân bay Long Thành có nhiều hạng mục vượt kế hoạch.
Về đường sắt, đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; đang tích cực triển khai dự án Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng để phấn đấu khởi công vào cuối năm 2025; phối hợp với TP. Hà Nội và TP.HCM đưa vào khai thác các dự án đường sắt đô thị gồm đoạn trên cao tuyến Nhổn – Ga Hà Nội và tuyến Bến Thành – Suối Tiên.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành GTVT cũng thông tin, năm 2024, Bộ GTVT đã được được giao khoảng 75.481 tỷ đồng. Dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch.
Khởi công hàng loạt dự án lớn
Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, năm 2025, Bộ phấn đấu khởi công 19 dự án, trong đó, 14 dự án do Bộ là cơ quan chủ quản, 5 dự án do địa phương là cơ quan chủ quản.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành 50 dự án. Trong đó, hoàn thành các dự án thành phần, nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông và cùng với các địa phương hoàn thành một số dự án đường bộ cao tốc để hoàn thành mục tiêu đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc; hoàn thành, cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh; cơ bản hoàn thành dự án sân bay Long Thành.
Cụ thể, về đường bộ, tập trung đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng để hoàn thành các dự án thành phần thuộc dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và các dự án đường bộ cao tốc khác, góp phần hoàn thành mục tiêu cả nước đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025.
Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư để khởi công các dự án: Nâng cấp, mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận, TP.HCM – Long Thành, Cam Lộ – La Sơn, La Sơn – Túy Loan; cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn, cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh giai đoạn 1… ngay trong quý I, II/2025.
Khẩn trương triển khai đầu tư hệ thống giám sát điều hành giao thông, trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc để đảm bảo khai thác đồng bộ, hiệu quả, hoàn thành trong quý II/2025.
Về đường sắt, tập trung triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, trong đó tập trung xây dựng nghị quyết của Chính phủ triển khai nghị quyết của Quốc hội và các nghị định hướng dẫn các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai quy hoạch chi tiết 2 tuyến Hà Nội – Đồng Đăng; Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái. Nghiên cứu các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia: TP.HCM – Cần Thơ, Biên Hòa – Vũng Tàu, Long Thành – Thủ Thiêm.
Tập trung hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án Đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng vào cuối năm 2025.
Khẩn trương rà soát và tổ chức triển khai thực hiện các dự án đang dừng, chậm tiến độ để phòng, chống lãng phí, đặc biệt là dự án Hà Nội – Yên Viên – Phả Lại – Cái Lân; Dự án hiện đại hóa Trung tâm điều hành vận tải đường sắt (OCC).
Về hàng không, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án sân bay Long Thành trong năm 2025, trong đó có dự án đường cất hạ cánh thứ 2 thuộc dự án thành phần 3.
Khẩn trương nghiên cứu phương án giao thông kết nối bằng đường sắt hoặc tàu điện ngầm theo hướng tuyến ngắn nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất để báo cáo Thủ tướng trong quý I/2025.
Về giải ngân vốn ngân sách nhà nước, năm 2025, Bộ GTVT dự kiến được giao với số vốn lên tới 87.000 tỷ đồng.
Bộ GTVT nhấn mạnh, sẽ triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiếp tục gắn trách nhiệm người đứng đầu, đưa nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2025 với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.