Chi tiết

Bốn yếu tố thúc đẩy Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Bà Marian Sherman – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Campuchia và Lào đã chia sẻ như vậy khi đề cập đến cơ hội để Việt Nam nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu nói chung và chuỗi giá trị công nghệ cao, bán dẫn nói riêng.

wb.jpg
Bà Marian Sherman – Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, Campuchia và Lào

Lãnh đạo WB cho rằng, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu khu vực. Bên cạnh đó, việc các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Nvidia, Meta, Google đang đẩy nhanh quá trình hợp tác cho thấy sự sẵn sàng của Việt Nam để trở thành một trung tâm công nghệ cao ở Châu Á.

Đây là thời điểm then chốt để Việt Nam tăng cường sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thông qua chuyển dịch sang các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn trong ngành chế biến, chế tạo và dịch vụ. Trong đó, với ngành công nghiệp bán dẫn, dù đang trong giai đoạn đầu nhưng hứa hẹn tiềm năng phát triển.

Để thực hiện được mục tiêu trên, bà Marian Sherman đã đề cập đến 4 nhân tố chính.

Thứ nhất, tăng cường hội nhập thương mại. Với chính trị ổn định, cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, vị trí địa lý chiến lược và tham gia sâu rộng vào các FTA, Việt Nam mang đến cho các nhà đầu tư khả năng tiếp cận cạnh tranh vào các thị trường toàn cầu, tăng thêm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Thời gian tới, theo bà Marian Sherman, Việt Nam có tiềm năng áp dụng chiến lược trở thành trung tâm trung chuyển thương mại, định vị quốc gia như một điểm nút trung tâm trong mạng lưới thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu. Chiến lược này sẽ tận dụng năng lực công nghiệp tiên tiến, trình độ công nghệ cao và năng lực tổ chức cũng như logistics vượt trội.

Thứ hai, năng lượng sạch và xuất khẩu xanh. Trong xu thế phát triển bền vững của các doanh nghiệp trên toàn cầu, cam kết tăng trưởng xanh, sạch sẽ góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trở thành một quốc gia có trách nhiệm với các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm sản xuất năng lượng sạch, nước, giao thông; hỗ trợ quy định về tiêu chuẩn môi trường và sử dụng năng lượng hiệu quả. Tiềm năng lợi ích mang lại cả về phương diện kinh tế lẫn môi trường, thậm chí còn cao hơn rất nhiều.

Thứ ba, lan tỏa tri thức. Trong mối liên kết với doanh nghiệp FDI, nhiều doanh nghiệp nội địa vẫn đứng ngoài cuộc. Về trung hạn, Việt Nam có thể thúc đẩy, tận dụng liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa để lan tỏa tri thức, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, góp phần tăng năng suất, nâng cao năng lực và vị thế của các doanh nghiệp nội địa trong chuỗi giá trị.

Với các phần mềm thiết kế được chuyển giao từ doanh nghiệp, đào tạo nhân lực bán dẫn đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường (ảnh minh hoạ)
Đầu tư cho giáo dục đại học, phát triển nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng để Việt Nam gia tăng vị thế trong chuỗi giá trị công nghệ

Để đạt được mục tiêu này, các chính sách tích cực thúc đẩy chuyển giao tri thức đóng vai trò cốt yếu. Đó là, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; phát huy vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư để tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp giàu tiềm năng của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài mới hoặc hiện hữu; thiết lập Chương trình phát triển nhà cung cấp để nâng cao năng lực hấp thụ tri thức của doanh nghiệp nội địa và tăng cường liên kết với doanh nghiệp FDI; phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và kỹ sư chất lượng cao.

Cuối cùng và quan trọng nhất, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bài học từ thung lũng Silicon (Mỹ) – cái nôi của ngành công nghiệp bán dẫn và phần lớn cuộc cách mạng số ngày nay cho thấy, sự hội tụ của những nhân tài xuất chúng là động lực quan trọng tạo nên sự phát triển thần kỳ. Các trường đại học Stanford, California – Berkeley đã không ngừng cung cấp cho thung lũng Silicon nhiều thế hệ nhân tài, nhân lực chất lượng cao cũng như những đột phá về khoa học công nghệ.

Tầm nhìn đề ra trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là trở thành trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu vào năm 2030 và trở thành một trung tâm về công nghiệp bán dẫn và điện tử toàn cầu vào năm 2040. Theo bà Marian Sherman, Việt Nam có nền tảng vững chắc để có thể đạt được tầm nhìn này.

Đó là, dân số trẻ và trình độ học vấn cao, chỉ số vốn nhân lực (HCI) liên tục đứng thứ hai trong tất cả các quốc gia có thu nhập trung bình theo công bố của WB. Bên cạnh đó, Chính phủ đang định hướng chú trọng nhiều hơn vào đào tạo trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

Nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ đại học với tổng hòa kỹ năng, chuyên môn sâu rộng ngày càng tăng khi Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Lấy ví dụ, trong các ngành công nghệ cao, tỷ lệ việc làm đòi hỏi trình độ đại học đã gấp đôi mức trung bình của thị trường lao động nói chung ở mức 23,4% so với 13% của toàn nền kinh tế.

Với nền tảng vững chắc từ giáo dục phổ thông, bước tiếp theo của Việt Nam là đầu tư bền vững vào giáo dục đại học để chuẩn bị nguồn nhân lực cần thiết cho công nghệ cao trong tương lai và nâng cao vị thế, vai trò của các cơ sở giáo dục đại học trong chuyển giao tri thức và ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Nguồn