Chi tiết

‘Bóng dáng’ Hải Anh tại dự án điện gió 1.500 tỷ đồng ở Quảng Trị

Mới đây, Quảng Trị có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư đối với CTCP Phong Điện Hải Anh – Quảng Trị, chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Hải Anh.

Dự án đầu tư nhà máy điện gió Hải Anh được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu vào tháng 3/2021, điều chỉnh lần thứ 4 vào tháng 12/2024.

Theo quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư vừa mới được phê duyệt, dự kiến từ tháng 11/2024 đến tháng 11/2025 chủ đầu tư sẽ nghiệm thu và phát điện thương mại dự án, đưa dự án đi vào hoạt động, hoàn thành việc quyết toán công trình.

Dự án điện gió của CTCP Phong Điện Hải Anh có quy mô công suất 40 MW, có diện tích khảo sát xây dựng hơn 20 ha tại các xã Hướng Phùng, Tân Thành và thị trấn Lao Bảo của huyện Hướng Hóa, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng được khởi công từ tháng 12/2023.

Dự án khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện bình quân hằng năm khoảng 120.000 MWh, tạo ra doanh thu hơn 200 tỷ đồng/năm và nộp ngân sách địa phương khoảng 40 tỷ đồng/năm.

Đến nay toàn tỉnh Quảng Trị đã có 20 dự án điện gió trong tổng số 31 dự án được phê duyệt quy hoạch, đi vào vận hành thương mại với tổng công suất trên 740 MW.

Trong đó, huyện Hướng Hóa được xem như là “thủ phủ” điện gió của Quảng Trị khi đang có đến 31 dự án điện gió được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đã và đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất hơn 1.177 MW, trong đó có 19 dự án có công suất phát điện thương mại hơn 671 MW đã hoàn thành, đưa vào vận hành. Dự kiến khi 31 dự án điện gió này đi vào hoạt động, hằng năm Quảng Trị thu ngân sách thêm được gần 600 tỷ đồng.

Hải Anh đang là cổ đông lớn nhất tại dự án điện gió 1.500 tỷ đồng tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Báo Chính phủ

Chân dung nhà đầu tư

CTCP Phong Điện Hải Anh thành lập năm 2020, có địa chỉ tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, với các cổ đông sáng lập gồm: CTCP Thương Mại kỹ thuật Hải Anh nắm giữ 50% cổ phần, Quản Duy Hải 40% cổ phần, Đoàn Xuân Minh Tuấn (Giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật) 10% cổ phần. Đến tháng 1/2021, doanh nghiệp này giảm vốn điều lệ về mức 350 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.

Về CTCP Thương Mại kỹ thuật Hải Anh cổ đông lớn nhất trong các thành viên góp vốn, doanh nghiệp này thành lập năm 2003 có trụ sở tại TP. Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực tự động hóa, truyền động, thiết bị công nghiệp, cơ điện.

Thời điểm mới thành lập Hải Anh có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, do ông Quản Duy Hải làm Tổng Giám đốc. Trong năm 2018 công ty này liên tục nâng vốn điều lệ lên 20 tỷ, sau đó đạt mức 40 tỷ đồng vào tháng 8 cùng năm, trong đó ông Quản Duy Hải nắm 90% cổ phần. Đến tháng 9/2020, Hải Anh có vốn điều lệ ở mức 315 tỷ đồng.

Ngoài việc góp vốn vào dự án điện gió 1.500 tỷ đồng tại Quảng Trị, Hải Anh đã đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất công nghệ cao NOVA Energy tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc diện tích gần 8.000 m2 với tổng mức đầu tư khoảng 180 tỷ đồng.

Nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm chính là nghiên cứu – phát triển, thiết kế và sản xuất thiết bị điện, điện tử công nghệ cao phục vụ ngành năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp khác.

Hải Anh cũng đang là đơn vị ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Hãng HICI Digital Power Technology Co., Ltd (Trung Quốc) về giải pháp tổng thể cho hệ thống sạc xe điện. Hải Anh sẽ phân phối và thực thiện dịch vụ sau bán hàng cho các hệ thống sạc xe điện của HICI Digital Power Technology Co., Ltd tại thị trường Việt Nam, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất hệ thống sạc xe điện EV.



Nguồn