Chi tiết

Bước đi mới của VTP

Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (HoSE: VTP) đang từng bước có hiệu quả. Tuy nhiên, việc mở rộng đầu tư sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận ròng của doanh nghiệp trong ngắn hạn.

bieu do T7
Doanh thu và lợi nhuận của VTP qua các năm.

Đẩy mạnh tái cơ cấu

Trong quý 1 và 2/2204 VTP ghi nhận kết quả kinh doanh khá ảm đạm khi doanh thu gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 9.600 tỷ đồng, và lãi ròng giảm 13% với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, bóc tách dữ liệu cho thấy, mảng kinh doanh cốt lõi là dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ logistics B2B và dịch vụ chuyển phát nhanh) có doanh thu tăng 25%, đạt 5.700 tỷ đồng. Trước tình hình này, Ban Lãnh đạo doanh nghiệp đã quyết tâm tái cơ cấu và dồn lực vào mảng dịch vụ.

Theo đó, VTP đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng và mạng lưới công nghệ, bao gồm các kho thông minh, mạng lưới điều hành (NOC) và tự động hóa quy trình giúp tối ưu hóa chi phí, thời gian xử lý hàng hóa giúp sản lượng gia tăng mạnh mẽ. Hiện tại, mảng dịch vụ này đã được VTP tái cơ cấu thành công, trong quý 3/2024 đã vượt mốc sản lượng 1 triệu đơn hàng/ngày, có thời điểm chạm mốc gần 2 triệu đơn.

Ngược lại với mảng dịch vụ, mảng thương mại trong quý 2 giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến kết quả kinh doanh của mảng này sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới khi VTP dồn lực cho mảng dịch vụ.

Kết thúc quý 3/2024, VTP ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.430 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. VTP báo lãi sau thuế gần 107 tỷ đồng, tăng 4,3%.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, VTP đạt doanh thu thuần hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ, vượt 14% chỉ tiêu cả năm. Song, do sự suy giảm trong hai quý đầu năm, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 252 tỷ đồng, giảm gần 9% so với cùng kỳ. So với kế hoạch cả năm, doanh nghiệp đã thực hiện được 68%.

Thách thức mở rộng đầu tư

Mới đây, VTP dự kiến đưa công viên logistics tại Lạng Sơn đi vào hoạt động vào đầu tháng 12/2024 và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới và cửa khẩu thông minh. Trước đó tại ĐHCĐ năm 2024, VTP đã công bố sẽ dựa trên hoạt động kinh doanh hiện tại để đầu tư thêm vào mảng logistics.

vtp1.jpg
VTP đầu tư cho các trung tâm phân loại và logistics hiện đại nhằm mở rộng chuỗi cung ứng

Đồng thời, hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối, giúp hoàn thiện mạng lưới logistics của Việt Nam. Hiện tại, VTP có nhiều cơ hội để đầu tư vào 3 phân khúc chính: dịch vụ logistics B2B cho các nhà sản xuất và nhà bán lẻ trong nước, dịch vụ giao hàng B2C cho thương mại điện tử xuyên biên giới và dịch vụ logistics biên giới thông minh B2B.

Với vốn đầu tư cao trong năm 2024-2025 (khoảng 2-3 nghìn tỷ đồng), sẽ tác động đến lợi nhuận của VTP trong năm 2024 do chi phí khấu hao và lãi suất vay cao hơn. Các khoản đầu tư này chủ yếu là các trung tâm phân loại và logistics hiện đại nhằm mở rộng chuỗi cung ứng để duy trì cạnh tranh của dịch vụ.

Nhìn chung, VTP đang đi đúng hướng khi giảm quy mô hoạt động kinh doanh không cốt lõi và tập trung vào mảng dịch vụ, logistics khi chuyển phát nhanh và mảng thương mại đang tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, trong vài năm đầu tiên, khoản đầu tư này sẽ tác động tới lợi nhuận ròng của VTP cho đến khi công ty có thể đạt tối đa hoá lợi nhuận từ những khoản đầu tư mới này.

252 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2024, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm 2023 của VTP.


Source link