Chi tiết

Bước ngoặt cho kinh tế Việt Nam

 

Những cải cách pháp luật sắp tới hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi lớn, tháo gỡ nút thắt trong đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu, và cải thiện môi trường đầu tư, từ đó đưa kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng bền vững hơn.

Các năm 2024 và 2025 sẽ đánh dấu những bước chuyển lớn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Theo báo cáo từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset, hàng loạt cải cách pháp luật quan trọng sẽ được triển khai, bao gồm Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, và các luật liên quan đến tín dụng. Các thay đổi này được kỳ vọng cải thiện hiệu quả quản lý và là động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt mục tiêu 6,5−7% năm 2024 và 7−7,5% năm 2025.Luật Tổ chức tín dụng (có hiệu lực từ tháng 7/2024) sẽ hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, với mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra là 15% trong năm 2025. Các chính sách này được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, duy trì lãi suất thấp và kích thích đầu tư bất động sản. Mirae Asset nhận định, bất động sản sẽ tiếp tục là điểm sáng nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng mạnh.

Hạ tầng đầu tư công: Động lực tăng trưởng dài hạn

Theo báo cáo, vốn đầu tư công vẫn là trọng tâm trong chiến lược phát triển. Trong 11 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 60,4% kế hoạch, phản ánh sự cần thiết của việc cải thiện các quy định quản lý. Với dư địa tài khóa ổn định (nợ công chỉ chiếm 36−37% GDP), Việt Nam có tiềm năng thúc đẩy đầu tư mạnh hơn trong giai đoạn tới. Các dự án lớn như đường cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành và đường sắt cao tốc Bắc-Nam sẽ đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng và tạo động lực tăng trưởng GDP.

Các luật mới 2024-2025: Bước ngoặt cho kinh tế Việt Nam
Danh sách các dự án hạ tầng trọng điểm giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050. Nguồn: Phòng phân tích Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam tổng hợp.

Dòng vốn FDI: Điểm sáng trong nền kinh tế

Mirae Asset nhấn mạnh rằng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Trong 11 tháng đầu năm 2024, giải ngân FDI đạt 21,68 tỷ USD (+7,1% YoY), với các dự án lớn như nhà máy bán dẫn của Samsung và trung tâm công nghệ AI của Nvidia. Nhiều cơ chế ưu đãi mới, như dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư, sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn vào các ngành công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Các đối tác chính như Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản duy trì vai trò đầu tư quan trọng.

Các luật mới 2024-2025: Bước ngoặt cho kinh tế Việt Nam
Vốn đăng ký FDI của Việt Nam từ các quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 2019–11T24. Nguồn: Phòng phân tích Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam; tổng hợp từ MPI.

Kiểm soát lạm phát và kích thích tiêu dùng

Lạm phát trong 11 tháng đầu năm 2024 được kiểm soát tốt, với CPI tăng 3,7% YoY, thấp hơn mục tiêu 4−4,5%. Điều này phản ánh nỗ lực của Chính phủ trong việc điều chỉnh thuế VAT và kiểm soát giá năng lượng. Tuy nhiên, các yếu tố như giá lương thực vào dịp Tết và tốc độ tăng trưởng tín dụng cần được theo dõi sát sao.

Ngành bán lẻ cũng ghi nhận tín hiệu phục hồi, với doanh số bán lẻ tăng 8,8% YoY vào tháng 11/2024. Du lịch, đặc biệt là dịch vụ lưu trú và ăn uống, tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ, khi lượng khách quốc tế tăng 41% YoY.

Xuất khẩu: Trụ cột kinh tế

Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng hai chữ số (+14,4% YoY trong 11 tháng đầu năm). Các mặt hàng như máy tính, linh kiện điện tử và hàng dệt may đóng vai trò chủ lực, trong khi Mỹ, EU, và ASEAN vẫn là các thị trường lớn nhất. Mirae Asset cho rằng, sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng và các FTA như EVFTA, RCEP sẽ tiếp tục tạo lợi thế cho Việt Nam trong trung và dài hạn.

Mặc dù kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài như biến động lãi suất toàn cầu và rủi ro suy giảm ở các thị trường lớn, các chính sách pháp luật mới sẽ là động lực để vượt qua khó khăn. Mirae Asset kỳ vọng, các cải cách về hạ tầng, tài chính và quản lý đất đai sẽ không chỉ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà còn hướng tới phát triển bền vững và toàn diện.

Nguồn tin