Chi tiết

Các dấu mốc tăng trưởng ngành ngân hàng 2024

Ngành ngân hàng đạt nhiều dấu mốc trong công nghệ xác thực, tín dụng xanh, thanh toán số, phục hồi lãi suất huy động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong năm qua.

Năm 2024 đánh dấu giai đoạn phát triển vượt bậc của ngành ngân hàng với loạt cột mốc đáng chú ý. Từ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh trắc học, thúc đẩy tín dụng xanh đến bứt phá trong thanh toán số và phục hồi lãi suất huy động, ngành ngân hàng góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao trải nghiệm người dùng.

Chiến dịch sinh trắc học

Ngành ngân hàng đã “chạy nước rút” triển khai xác thực sinh trắc học trước thời hạn 1/1 năm nay. Từ ngày 1/7/2024, Quyết định 2345 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, quy định tất cả các giao dịch điện tử cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng xác thực sinh trắc học khuôn mặt.

Ngày 1/10/2024, Thông tư 18 yêu cầu cá nhân mở thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử trực tuyến phải thực hiện xác thực sinh trắc học. Cùng với đó, Thông tư 50 đưa ra khung pháp lý đảm bảo an toàn và bảo mật cho dịch vụ trực tuyến ngành ngân hàng.

Kết quả cho thấy khoảng 38 triệu lượt khách hàng đã hoàn tất đăng ký thông tin sinh trắc học. Sau hơn ba tháng triển khai, số vụ lừa đảo giảm 50%, trong khi số tài khoản nhận tiền từ hành vi lừa đảo giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng đầu năm 2024. Một số ngân hàng như HDBank đã tích cực hỗ trợ khách hàng hoàn thành xác thực sinh trắc học với tỷ lệ ghi nhận cao, đóng góp vào thành công chung của toàn ngành.

Người dùng trải nghiệm ứng dụng HDBank trên điện thoại thông minh. Ảnh: HDBank

Người dùng trải nghiệm ứng dụng HDBank trên điện thoại thông minh. Ảnh: HDBank

Tăng trưởng tín dụng Xanh

Năm 2024 ghi nhận bước tiến trong lĩnh vực tín dụng xanh, khi các ngân hàng tiên phong phát hành trái phiếu xanh để tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường. BIDV phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu xanh vào tháng 9/2024, tiếp theo là Vietcombank huy động thành công 2.000 tỷ đồng vào tháng 11. Gần nhất, HDBank phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu xanh vào tháng 12, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư.

Các trái phiếu này tuân thủ khung trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) và Hiệp hội Thị trường tín dụng (LMA), được các tổ chức tín nhiệm quốc tế như Moody’s đánh giá cao. Đây là tín hiệu tích cực cho mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Bứt tốc về người dùng số và thanh toán số

Đến tháng 9/2024, giao dịch qua Internet tăng 49,45% về lượng và 33,19% giá trị; qua kênh di động tăng 57,93% về lượng và 35,54% về giá trị. Riêng thanh toán qua QR tiếp tục bức tốc với mức tăng gấp đôi cả về số lượng và giá trị, theo Ngân hàng Nhà nước.

2024 cũng là năm đánh dấu Việt Nam đã hoàn tất kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua mã QR cùng Thái Lan, Campuchia, Lào với sự tham gia của khoảng 18 ngân hàng thương mại và 3 tổ chức trung gian thanh toán, theo Công ty Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas).

Dự kiến năm nay mở rộng kết nối thanh toán bằng mã QR với các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.

Cũng trong năm 2024, Việt Nam ghi dấu sự ra đời và phát triển nhanh chóng của những ngân hàng số thế hệ mới. Điển hình như Ngân hàng số Vikki (từ HDBank), ra mắt thị trường từ tháng 7/2024 và nhanh chóng nhập cuộc xu thế trên với tiện ích thanh toán xuyên biên giới bằng QR, tiện ích mua bán ngoại tệ, cùng nhiều giải pháp tài chính sáng tạo, tiên tiến và dễ tiếp cận cho cộng đồng. Vikki cũng đưa dịch vụ tài chính số đến vùng sâu, vùng xa, qua chương trình hỗ trợ người dân các xã các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (bão Yagi) trong năm 2024, theo chiến lược tài chính toàn diện của Chính phủ. Đây cũng là một trong những ngân hàng số thế hệ mới đầu tiên tích hợp tiện ích thanh toán “một chạm” trong giao thông thông minh trên toàn tuyến metro đầu tiên của TP HCM ngay khi đi vào vận hành từ ngày 22/12/2024.

Khách dùng thẻ Vikkigo thanh toán một chạm tại ngày chạy đầu tiên của Metro số 1. Ảnh: Vikkigo

Khách dùng thẻ Vikkigo thanh toán một chạm tại ngày chạy đầu tiên của Metro số 1. Ảnh: Vikkigo

Lãi suất huy động tăng trở lại sau 2 năm giảm sâu

Sau hai năm giảm sâu, lãi suất huy động bắt đầu tăng trở lại từ tháng 4/2024, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 11,9% so với cuối năm 2023, và lên mức 12,5% vào ngày 7/12.

Theo MBS, lãi suất 12 tháng trung bình của các ngân hàng thương mại đạt 5%, cao hơn 0,14 điểm phần trăm so với đầu năm. Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước duy trì mức 4,7%, thấp hơn 0,26 điểm phần trăm so với cuối năm 2023.

Xu hướng tăng trở nên rõ rệt hơn kể từ tháng 6 và diễn ra trên diện rộng từ tháng 7 đến tháng 9, khi có tới hàng chục ngân hàng nâng lãi suất huy động mỗi tháng. Việc tăng trưởng tín dụng nhanh gấp 2-3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn đã thúc đẩy các ngân hàng tăng lãi suất huy động, thậm chí lãi suất huy động ở một vài ngân hàng đã vượt mốc 6% một năm.

Khách hàng gửi tiền tại một ngân hàng ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Khách hàng gửi tiền tại một ngân hàng ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

21/29 ngân hàng tăng trưởng dương

Báo cáo tài chính quý III/2024 từ 29 ngân hàng cho thấy tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 218.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Vietcombank dẫn đầu với lợi nhuận trước thuế đạt 31.533 tỷ đồng, tăng 6,7%. Ngoài ra, BIDV, MB, VietinBank, ACB, VPBank và HDBank đều đạt trên 10.000 tỷ đồng lợi nhuận, đóng góp 75% tổng lợi nhuận toàn ngành.

Những dấu mốc trên khẳng định sự phát triển bền vững và mạnh mẽ của ngành ngân hàng Việt Nam trong năm 2024.

Thái Anh



Nguồn tin: https://vnexpress.net/cac-dau-moc-tang-truong-nganh-ngan-hang-2024-4834514.html