Chi tiết

Các nhà cung cấp của Apple “khát” nhân lực

Bối cảnh thị trường lao động tại Việt Nam

Trong bối cảnh, sự chuyển dịch của các nhà cung cấp lớn của Apple như Foxconn hay là Luxshare vào Việt Nam nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã làm thay đổi cục diện ngành sản xuất của đất nước. Điều này đã biến Việt Nam trở thành một điểm đến chiến lược cho các nhà sản xuất toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử.

luxshare1(1).jpg
Việt Nam đang trở thành điểm đến chiến lược cho các nhà sản xuất toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã thu hút 20,52 tỷ USD vốn FDI, trong đó phần lớn đến từ các doanh nghiệp công nghệ như Foxconn, Samsung và Luxshare.

Năm ngoái, cùng với đà suy thoái kinh tế toàn cầu, chỉ tính riêng trong sản xuất điện tử của Việt Nam đã khiến hàng chục nghìn công nhân mất việc. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ S&P Global, quý 2 năm 2024 đã chứng kiến ​​mức tăng mạnh nhất về đơn đặt hàng cho các nhà sản xuất Việt Nam trong vòng hơn một thập kỷ.

Bên cạnh đó, các nhà cung cấp của Apple cũng đã tăng đáng kể sự hiện diện của họ tại Việt Nam, với Luxshare, Foxconn và Goertek đều mở các nhà máy mới. Trong khi năm 2015, Việt Nam chỉ có 8 nhà cung cấp của Apple, đến năm 2023, đã có tới 35 nhà cung cấp lắp ráp các sản phẩm AirPods, iPad và MacBook của Apple tại Việt Nam.

Một trong những điểm thu hút của Việt Nam đối với các nhà sản xuất công nghệ là lực lượng lao động tương đối rẻ và dồi dào. Tiền lương sản xuất tại Việt Nam thấp hơn một nửa so với Trung Quốc, ngay cả khi mức lương tối thiểu thực tế tăng 11,3% mỗi năm trong thập kỷ từ 2010 đến 2019.

Và khi quy mô các nhà máy gia tăng, các doanh nghiệp này lại đang phải đối mặt với một thách thức khác, sự thiếu hụt lao động. Dù đã đưa ra các gói thưởng và ưu đãi hấp dẫn, nhiều nhà máy đối tác của Apple tại Việt Nam vẫn đang chật vật để lấp đầy hàng ngàn vị trí công nhân sản xuất.

Ưu đãi từ các nhà tuyển dụng

Đối với các nhà cung cấp của Apple tại Việt Nam, cuối mùa hè là mùa tuyển dụng, các công ty như Luxshare và Foxconn cố gắng lấp đầy hàng nghìn công việc lắp ráp cố định và tạm thời, xây dựng các sản phẩm như AirPods và iPad. Cạnh tranh cho những công việc này một thời gian đã từng rất khốc liệt. Nhưng, khi ngày càng nhiều nhà sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, quyền lựa chọn đã chuyển sang người lao động.

foxconn(1).jpg
Các nhà cung cấp của Apple tại Việt Nam đang đưa ra những ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực.

Theo thông tin từ Rest of World, trên các mạng xã hội như TikTok và Facebook, các nhà sản xuất và nhà tuyển dụng của họ cố gắng thu hút sự chú ý của những người lao động tiềm năng bằng cách đăng video và tổ chức các buổi phát trực tiếp hàng ngày về công việc mà họ cung cấp. Một số hứa hẹn mức lương hàng tháng lên tới 12 triệu đồng (492 USD), cộng với tiền thưởng khi ký hợp đồng.

Trong khi đó, theo các nhà tuyển dụng được Rest of World phỏng vấn, trong bối cảnh ngày càng có nhiều nhà máy cạnh tranh để có cùng một nhóm công nhân, rất nhiều nhà máy đã phải tăng phúc lợi và tìm cách thu hút công nhân. Tuy nhiên, với những người lao động trẻ, không dễ để đưa họ đến làm việc trong các nhà máy với những công việc đơn giản và khá nhàm chán cùng thời gian làm việc dài.

Một trong những nhà cung cấp hàng đầu của Apple là Luxshare, đã mở rộng sản xuất tại Nghệ An trong năm nay, cũng đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. Vào tháng 3, Luxshare đã yêu cầu chính quyền địa phương hỗ trợ tuyển dụng 1.500 lao động mỗi tháng. Đáp lại, chính quyền đã kêu gọi các trường đại học và trường dạy nghề địa phương cung cấp thực tập sinh và lao động cho công ty.

Mặt khác, để tìm kiếm công nhân, tài khoản TikTok của Luxshare đã đăng tải các video thông báo rằng họ sẽ tăng phần thưởng cho những nhân viên giới thiệu thành công người lao động mới từ 1 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng nếu người mới được tuyển dụng ở lại làm việc trong 60 ngày.

Theo các chuyên gia, thị trường lao động Việt Nam được cho là sẽ càng sôi động, đặc biệt khi Việt Nam tiếp tục thu hút các khoản đầu tư lớn từ các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu về lao động chất lượng cao, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và các doanh nghiệp trong việc đào tạo và phát triển kỹ năng cho công nhân.

Nhìn chung, tình trạng thiếu hụt lao động tại các nhà cũng cấp của Apple tại Việt Nam không chỉ là một thách thức tạm thời, mà còn là một bài toán dài hạn. Để giải quyết vấn đề này, không chỉ cần các chính sách ưu đãi về tiền lương, mà còn phải đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó đảm bảo sự phát triển bền vững của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguồn