(ĐTCK) Tâm lý đám đông đã trở lại trên thị trường chứng khoán Trung Quốc khi các nhà đầu tư đổ xô mua vào cổ phiếu, điều này được thúc đẩy bởi sự bùng nổ chính sách kích thích của Trung Quốc và nỗi sợ bỏ lỡ những gì mà một số nhà đầu tư xem là đợt tăng giá có hiếm có trong lịch sử.
Các công ty chứng khoán Trung Quốc đang bận rộn với các khách hàng cá nhân. Một loạt lệnh đang làm tắc nghẽn các hệ thống giao dịch khi các nhà đầu tư chuyển tiền từ trái phiếu và tiền gửi sang cổ phiếu, dẫn đến sự bùng nổ thanh khoản.
“Lãi suất tiền gửi quá thấp và đầu tư bất động sản không còn an toàn nữa… Không có cách nào khác để làm giàu ngoài việc tăng gấp đôi tiền mua vào cổ phiếu. Cơn sốt thị trường mà bạn thấy lần này có thể là chưa từng có”, Darren Wang, một nhân viên văn phòng 30 tuổi ở Trung Quốc và đã bắt đầu mua cổ phiếu bằng tiền vay ký quỹ cho biết.
Cổ phiếu Trung Quốc đã trải qua ba năm ảm đạm khi hoạt động kinh tế chật vật để trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch trong khi cuộc khủng hoảng nợ giữa các nhà phát triển bất động sản lan rộng khắp thị trường.
Sự ảm đạm đó đột nhiên chuyển thành sự hưng phấn vào tuần trước khi chỉ số CSI 300 tăng vọt 16% và là hiệu suất trong một tuần tốt nhất kể từ năm 1998, sau khi chính phủ công bố một loạt các biện pháp kích thích bao gồm cắt giảm lãi suất và công bố quỹ trị giá 114 tỷ USD để thúc đẩy giá cổ phiếu.
Nhiều chính sách vẫn chưa được thực hiện và không có gì đảm bảo rằng chúng có thể cải thiện cơ bản các điều kiện kinh doanh hoặc chữa khỏi các vấn đề hiện hữu kinh tế, bao gồm cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư cho biết họ đang muốn rót tiền vào cổ phiếu.
“Cuộc sống đã khó khăn trong một thời gian dài và cuối cùng đã đến lúc kiếm tiền”, Wen Hao, quản lý tại một công ty khởi nghiệp công nghệ ở Hàng Châu cho biết.
Ông đã so sánh với đợt tăng giá năm 2015 khi chỉ số cổ phiếu Shanghai tăng gấp đôi chỉ trong vòng sáu tháng, với lý do là “một lượng tiền khổng lồ do chính phủ hậu thuẫn đang trên đường đổ vào thị trường chứng khoán”.
Tuần trước, ngân hàng trung ương đã công bố một chương trình hoán đổi ban đầu trị giá 500 tỷ nhân dân tệ (71,30 tỷ USD) để tài trợ cho các giao dịch mua cổ phiếu của các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm. Họ cũng sẽ tạo ra một cơ sở cho vay lại 300 tỷ nhân dân tệ để tài trợ cho việc mua lại cổ phiếu của các công ty niêm yết. Cả hai chương trình đều có thể được mở rộng.
Thị trường cổ phiếu tăng vọt
Chỉ số CSI 300 đã tăng hơn 8% vào thứ Hai (30/9) – mức tăng lớn nhất trong ngày kể từ năm 2008 – tiếp nối mức tăng 16% của tuần trước với thanh khoản bùng nổ.
“Đợt tăng giá năm 2014-2015 được tài trợ bằng tài trợ ký quỹ bất hợp pháp. Lần này, ngân hàng trung ương đang cung cấp đòn bẩy”, một nhà quản lý quỹ đầu cơ giấu tên cho biết.
“Các nhà đầu tư đang đổ xô vào cổ phiếu vì có sự hậu thuẫn của chính phủ”, ông cho biết, đồng thời nói thêm rằng khó khăn trong việc đưa ra dự báo kinh tế vĩ mô có nghĩa là đợt tăng giá này liên quan nhiều hơn đến thanh khoản và tâm lý hơn là các điều kiện cơ bản hoặc triển vọng doanh nghiệp.
Báo hiệu sự chấp thuận chính thức cho đợt tăng giá của thị trường, China Securities Journal cho biết trong một bài xã luận vào thứ Hai (30/9) rằng, việc phục hồi của giá cổ phiếu và thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư sẽ hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế của đất nước, phá vỡ vòng luẩn quẩn của việc đầu tư bị hạn chế và tâm lý bị tổn hại.
FOMO tăng mạnh
Vừa mới trải qua không khí ảm đạm trong tuần trước, các công ty chứng khoán trên toàn quốc giờ đây đang tràn ngập các nhà đầu tư háo hức mở tài khoản hoặc vay ký quỹ để giao dịch. Nhu cầu lớn đến mức các dịch vụ thanh toán bù trừ đã mở cửa bất thường vào cuối tuần để phê duyệt kịp thời các tài khoản mới.
Trong một dấu hiệu cho thấy tiền đang chảy ra khỏi các tài sản an toàn hơn, hợp đồng tương lai trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 30 năm của Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất trong hai tháng vào thứ Hai (30/9) sau khi giảm 3,6% vào tuần trước – tuần có hiệu suất tệ nhất từ trước đến nay.
“Một cuộc di cư tiền tệ với quy mô lớn đang diễn ra – hàng nghìn tỷ nhân dân tệ đang chuyển từ các quỹ trái phiếu, quản lý tài sản và các sản phẩm thu nhập cố định khác sang cổ phiếu”, Zhao Jian, người đứng đầu Viện nghiên cứu tài chính Atlantis cho biết.
Ba năm thị trường giá xuống đã thúc đẩy hàng chục triệu nhà đầu tư ngắn hạn khao khát lấy lại tiền của họ, vì vậy “đợt tăng giá sẽ tiếp tục với một vài đợt điều chỉnh hợp lý”, ông cho biết thêm.
Nhà giao dịch cổ phiếu cá nhân kỳ cựu Wu Jie, 48 tuổi cho biết ông cảm thấy bối rối trước sự thay đổi tâm trạng đột ngột.
“Nền kinh tế vẫn trong tình trạng tồi tệ…Nhưng nếu nhìn vào khối lượng giao dịch, đợt tăng giá có thể sẽ được duy trì. Tôi đã chuẩn bị tiền mặt và đang chờ một đợt điều chỉnh lớn để có thể tham gia”, ông cho biết.
Cho đến nay, nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO) là điều dễ nhận thấy. Các công ty chứng khoán đã dẫn đầu mức tăng vào thứ Hai (30/9) với nhiều công ty ghi nhận mức tăng hai chữ số. Chỉ số các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc của Bloomberg Intelligence đã tăng tới 15,7%. Các quỹ đầu cơ đang bán cổ phiếu công nghệ của Mỹ và đổ tiền vào các công ty khai khoáng và vật liệu. Trong khi đó, giá quặng sắt tăng vọt khoảng 11% khi các nhà đầu tư đặt cược rằng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm bớt khó khăn về bất động sản sẽ cải thiện nhu cầu từ quốc gia tiêu thụ nguyên liệu sản xuất thép hàng đầu thế giới.
Hao Hong, nhà kinh tế trưởng tại Grow Investment Group cho biết khi nói về phiên giao dịch ngày 30/9: “Đây là một ngày hoành tráng trong lịch sử thị trường chứng khoán Trung Quốc… Đây là một trong những ngày vui nhất trong 30 năm theo dõi thị trường Trung Quốc của tôi”.
Một số người vẫn đang giữ những cái đầu lạnh hơn. “Tôi phải thú nhận rằng, sau khi bận rộn thưởng thức bữa tiệc chính sách kéo dài cả tuần này, mối lo ngại của tôi về khả năng lặp lại chu kỳ đáng thất vọng trước đó vẫn còn đó”, Hebe Chen, nhà phân tích tại IG Markets Ltd. cho biết.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/cac-nha-dau-tu-trung-quoc-dang-fomo-post354897.html