Chi tiết

Cần nhiều nỗ lực hơn để vốn ngoại quay lại

Nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là động lực lớn cho sự phát triển của thị trường vốn và nền kinh tế

(ĐTCK) Ông Park Won Sang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, để thị trường vốn phát triển, cần thêm nhiều chính sách so với hiện nay.

Gần đây, nhu cầu đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư Hàn Quốc cả trực tiếp và gián tiếp có gì mới so với trước đây, thưa ông?

Các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn rất quan tâm tới Việt Nam, ví dụ Samsung tiếp tục đầu tư thêm vốn. Ngoài các doanh nghiệp sản xuất như Samsung thì tới đây, những doanh nghiệp trong ngành hóa học sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Về vốn gián tiếp, hiện nhà đầu tư Hàn Quốc ưa thích thị trường Mỹ và đang đổ tiền vào thị trường này, do Mỹ tạo ra các điều kiện đầu tư, thu hút vốn gián tiếp rất tốt. Đến một thời điểm nào đó, tỷ trọng đầu tư vào Mỹ khó có thể gia tăng nữa, dòng tiền có thể quay lại thị trường Việt Nam.

Để thu hút vốn đầu tư, tôi nghĩ, Chính phủ Việt Nam cần nhiều nỗ lực hơn nữa.

Ông Park Won Sang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam

Ông Park Won Sang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam

Đó là những nỗ lực gì, về chính sách thì cụ thể là những chính sách gì, theo ông?

Ví dụ, chính sách thuế hay những chính sách liên quan đến cấp phép, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, từ đó góp phần thúc đẩy thị trường vốn phát triển.

Doanh nghiệp có 2 kênh chính để đáp ứng nhu cầu vốn: một là qua ngân hàng, hai là qua kênh chứng khoán, phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu. Theo quan sát của chúng tôi, chính sách của Việt Nam đang hỗ trợ nhiều hơn kênh huy động vốn qua ngân hàng, chứ không phải huy động vốn qua kênh chứng khoán, nên việc tăng trưởng huy động vốn qua kênh chứng khoán không thể theo kịp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Để cải thiện vấn đề này, Chính phủ cần tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn qua kênh chứng khoán, đa dạng và song song với kênh ngân hàng.

Ông có nhắc đến việc nhà đầu tư Hàn Quốc đang đổ tiền sang Mỹ, với những nhà đầu tư muốn đa dạng thêm các thị trường khác như Việt Nam, họ có mong muốn gì?

KIS lâu nay đã là cầu nối các nhà đầu tư Hàn Quốc với Việt Nam. Chúng tôi ghi nhận họ mong muốn thị trường có các chính sách mới như giao dịch trong ngày (day-trading). Hoặc hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài nộp, rút tiền đầu tư chứng khoán khá khó khăn, chúng tôi mong có cơ chế, chính sách để tiền ra – vào Việt Nam thuận lợi.

Ông đánh giá như thế nào về cơ hội với thị trường chứng khoán Việt Nam khi được nâng hạng?

Chúng ta đã nói nhiều về tương lai của thị trường Việt Nam khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE trong ngắn hạn và MSCI trong dài hạn. Việc được nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và tái định giá thị trường khi so sánh đơn giản về quy mô vốn hóa của 2 thị trường, cụ thể quy mô vốn hóa của thị trường cận biên đang nhỏ hơn thị trường mới nổi hơn 80 lần.

Hiện tại, Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm thị trường cận biên với 39% ở FTSE và 26% ở MSCI. Nếu được nâng hạng, Việt Nam dự kiến sẽ chiếm khoảng 1% tỷ trọng thị trường mới nổi trong ngắn hạn.

Quy mô tổng đầu tư vào các quỹ ETF mô phỏng chỉ số FTSE và MSCI thị trường mới nổi hiện khoảng 252 tỷ USD, trong đó ETF của FTSE chiếm khoảng 89 tỷ USD và MSCI chiếm 163 tỷ USD. Trong số này, Vanguard là quỹ đầu tư lớn nhất với 85% thị phần cho FTSE và iShares là quỹ đầu tư lớn nhất cho MSCI, chiếm 46% thị phần.

Việt Nam cần tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn qua kênh chứng khoán, đa dạng và song song với kênh ngân hàng.

Nếu Việt Nam chiếm tỷ trọng 1 – 2% khi được nâng hạng, dự kiến sẽ có khoảng 850 triệu USD đến 1,7 tỷ USD đầu tư từ các ETF mô phỏng FTSE và khoảng 1,5 – 3,1 tỷ USD từ các quỹ mô phỏng MSCI. Tuy nhiên, lượng đầu tư vào từng cổ phiếu cụ thể sẽ có sự khác biệt, tùy vào tỷ trọng dự kiến.

Đây là con đường buộc phải đi để nâng cấp thị trường phải không?

Sự gia tăng nhanh chóng của các nhà đầu tư tại Việt Nam và nỗ lực đưa Việt Nam vào thị trường mới nổi sẽ là động lực lớn cho sự phát triển của thị trường vốn và nền kinh tế. Thị trường sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư và vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn và phát triển, từ đó mang đến nhiều cơ hội đầu tư đa dạng hơn cho các nhà đầu tư.

Nếu quy định về việc bỏ ký quỹ trước giao dịch (Non-Prefunding) được thực hiện tốt, FTSE có thể đưa Việt Nam vào thị trường mới nổi trong tương lai gần. Tuy nhiên, đối với MSCI – tổ chức có quy mô lớn hơn FTSE – có nhiều tiêu chí cần đáp ứng liên quan đến giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, khả năng tiếp cận thông tin bằng tiếng Anh, tự do hóa thị trường ngoại hối.

Để thị trường phát triển, các thành viên phải có trách nhiệm đóng góp như công ty chứng khoán đóng góp vào việc gia tăng thanh khoản thị trường, cơ quan quản lý nỗ lực phát triển chính sách để tạo thêm cơ hội đầu tư cho thị trường. Chúng tôi coi đây là một hành trình đồng hành cùng nhau trong việc phát triển thị trường vốn Việt Nam.

Tập đoàn Korea Investment Holdings (KIH) mà KIS Việt Nam trực thuộc đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam từ năm 2006 và tích cực giới thiệu Việt Nam đến các nhà đầu tư Hàn Quốc, dẫn dắt làn sóng đầu tư của Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam. Gần đây, giá trị tài sản quản lý của các quỹ giảm sút, nhưng chúng tôi khẳng định rằng, KIH luôn dành sự quan tâm và đầu tư lâu dài vào thị trường Việt Nam.

Lũy kế đến tháng 6/2024, tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam đạt gần 87,5 tỷ USD, với hơn 10.000 dự án đầu tư, chiếm 25% tổng số dự án và hơn 18% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc đã đầu tư thêm 1,4 tỷ USD vào Việt Nam, xếp thứ 4 trong số 84 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Những năm gần đây, Hàn Quốc luôn là nhà đầu tư số một ở Việt Nam và hai bên đã chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục tin tưởng và mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu cao, đặc biệt là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và các ngành mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen, công nghiệp văn hóa – giải trí.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/can-nhieu-no-luc-hon-de-von-ngoai-quay-lai-post358619.html