Ông Lưu Quang Vũ – Chủ tịch M&A PARTNERS, Trưởng Ban Kết nối và Xúc tiến đầu tư M&A VIETNAM, cộng đồng chuyên biệt về mua bán và sáp nhập lớn nhất tại Việt Nam chia sẻ.
Nhà đầu tư có xu hướng nhắm tới những doanh nghiệp có chiến lược đầu tư sản phẩm ổn định, lâu dài như nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm mà cụ thể là doanh nghiệp có nền tảng cơ bản trong kinh tế sản xuất, phân phối thực phẩm. Điều này khá trái ngược với xu hướng tìm kiếm tập trung vào các doanh nghiệp sở hữu hệ thống phân phối, bán lẻ hay đồ uống, nước giải khát chỉ một vài năm trước đó.
Theo một chiều hướng khác, xu hướng M&A trong lĩnh vực giáo dục đang diễn ra sôi động. Thị trường liên tục được biết đến các công bố như Công ty Du lịch Vietravel tuyên bố sở hữu 66% cổ phần của Trường Cao đẳng Quốc tế Kent, Công ty CP Đầu tư Phát triển Giáo dục Hutech mua lại Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF), Công ty CP Phát triển Hùng Hậu mua lại Đại học Văn Hiến… cùng nhiều thương vụ chưa được công bố khác”.
“Những dấu hiệu, xu hướng trên cho thấy thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo vẫn sôi động, đây là cơ hội lớn cho những doanh nghiệp đang có lợi thế mà chúng tôi nêu ở trên”, ông Vũ nhấn mạnh.
Trong bối cảnh nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính thì việc tiếp cận với các Quỹ đầu tư tư nhân “ngoại quốc” theo hình thức M&A là lựa chọn khả quan cho các doanh nghiệp này, giúp doanh nghiệp được tái cơ cấu toàn diện có “sức khỏe” tốt hơn.
Ông Vũ cho biết, nhận thức được xu hướng này, đồng thời mong muốn tận dụng tối đa cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước, M&A VIETNAM đang chú trọng việc tìm kiếm các Quỹ đầu tư tư nhân mà điển hình mới đây là sự hợp tác toàn diện với Swiss và Fidelity với tiềm lực tài chính dồi dào, đa dạng khoản mục đầu tư. M&A VIETNAM hy vọng sớm “đóng gói sản phẩm tài chính” để cung cấp, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận được thông qua M&A.
Trước khi đưa ra quyết định M&A, các doanh nghiệp cần tính toán kỹ tới thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt, nhằm tìm kiếm, tận dụng những cơ hội cho hoạt động của các doanh nghiệp trong tương lai. Một số những thách thức mà ông Vũ chỉ ra như sau:
Thứ nhất là rủi ro pháp lý khi thỏa thuận. Việc đàm phán, thỏa thuận và thực hiện giao dịch M&A tại Việt Nam đòi hỏi tuân thủ nhiều quy định pháp lý, điều này gây trở ngại và rủi ro cho giao dịch, đặc biệt khi đến từ hai Quốc gia có hệ thống luật pháp chưa tương đồng.
Thứ hai là việc tính toán giá trị. Xác định giá trị doanh nghiệp thông qua giá trị cổ phần hay tài sản thực sự chưa bao giờ là dễ dàng cho tất cả các bên tham gia.
Thứ ba là rủi ro tài chính và tài sản, công nợ… nằm ngoài sổ sách.
Thứ tư là sự tương hỗ và hòa nhập văn hóa. Sự không tương hỗ giữa văn hóa, giá trị và phong cách làm việc giữa các doanh nghiệp “hậu M&A” có thể gây ra mâu thuẫn và khó khăn, kìm hãm sự phát triển hoặc đổ vỡ sự liên kết khiến thương vụ chỉ thuần tính chất “mua bán” mà không có giá trị gia tăng là “sáp nhập”.
Trưởng Ban Kết nối và Xúc tiến đầu tư M&A VIETNAM cũng đưa ra cảnh báo, năm 2025, thị trường M&A tại Việt Nam sẽ còn nhiều thách thức do xu hướng cẩn trọng hơn trong việc xác định các giao dịch và tài sản có thể mang lại giá trị cho nhà đầu tư theo hướng chiến lược, chứ không chỉ đơn thuần là lợi nhuận về mặt tài chính trước mắt. Đây là thách thức và cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, các nhà đầu tư cũng như các đơn vị, tổ chức tư vấn đang tham gia vào thị trường M&A.