Chi tiết

Cao điểm cuối năm có giúp mục tiêu tín dụng 15% khả thi?

Cao điểm cuối năm có giúp mục tiêu tín dụng 15% khả thi?

Tính đến ngày 07/12/2024, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đã tăng 12.5% so với đầu năm. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 15% đề ra từ đầu năm, các ngân hàng cần giải ngân thêm 2.5% trong tháng cuối cùng của năm. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng, song với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng chỉ tiêu tín dụng cho một số ngân hàng, mục tiêu này vẫn có cơ hội thành hiện thực.

Ngày 28/11 vừa qua, NHNN đã thông báo điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần phải đề nghị.

NHNN cũng cho biết, sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều ngày 07/12, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến 29/11, tăng trưởng tín dụng đã đạt 11.9% và đến 07/12 đã đạt được 12.5% tăng trưởng tín dụng. Con số này so với cùng kỳ 2023 là khá tích cực, thời điểm này năm ngoái mới tăng được 9%.

Cao điểm tín dụng dịp cuối năm

Tháng 12 luôn là thời điểm nhu cầu tín dụng bùng nổ, đặc biệt là tháng cận Tết Nguyên đán – giai đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ nhất.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng tốc sản xuất, hoàn thiện đơn hàng quốc tế và dự trữ hàng hóa cho đầu năm. Kéo theo đó là nhu cầu lưu kho, vận chuyển và bán lẻ tăng cao để phục vụ thị trường Tết.

Bên cạnh đó, các khoản vay cho chủ đầu tư mở bán dự án và khách hàng mua nhà thường dồn dập trong dịp cuối năm. Nhiều dự án đầu tư công cần hoàn thiện hoặc đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng kế hoạch tài khóa của năm. Ngoài ra, người dân tăng cường vay vốn mua sắm hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm tiêu dùng lâu bền.

Với nhu cầu tăng cao từ những lĩnh vực trên, các ngân hàng đang đứng trước cơ hội bứt phá tín dụng. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khi lãi suất vẫn còn cao so với kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Tín dụng có thể vượt 15%

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế khẳng định, tăng trưởng tín dụng hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí có thể vượt mức 15% đề ra từ đầu năm. Vì việc tăng trưởng tín dụng nhiều năm nay ở thời điểm cuối năm tăng trưởng rất mạnh, đặc biệt vào 2 tháng cuối năm.

Với đà tăng trưởng kinh tế như hiện nay, ông Thịnh cho rằng, khả năng nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng 7.2-7.3%. Và để đáp ứng được nhu cầu vốn cho mức tăng trưởng đó, cầu nguồn vốn cũng tăng theo. Cho nên, tín dụng cả năm có thể tăng trưởng khoảng 15.5-16%.

Ông Nguyễn Quang Huy – CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi đánh giá, dù cơ hội tăng trưởng tín dụng là rõ ràng, nhưng việc giải ngân ồ ạt trong thời gian ngắn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nếu các ngân hàng nới lỏng tiêu chuẩn cấp tín dụng, các khoản vay có thể tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản.

Nếu dòng vốn tập trung quá mức vào các lĩnh vực tiêu dùng hoặc đầu cơ, có thể đẩy giá cả leo thang, gây áp lực lên mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ.

Khi giải ngân tín dụng tăng mạnh, ngân hàng thương mại có thể đối mặt với thách thức trong cân đối nguồn vốn và kỳ hạn, gây áp lực thanh khoản cho hệ thống.

Nếu vốn vay không được quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư sẽ thấp, dẫn đến hệ lụy dài hạn cho nền kinh tế.

NHNN đang thể hiện sự linh hoạt trong điều hành chính sách khi cấp thêm chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng có sức khỏe tài chính tốt. Tuy nhiên, để đảm bảo tăng trưởng bền vững, cần tập trung giám sát dòng vốn, tránh tình trạng vốn chảy vào lĩnh vực đầu cơ hoặc rủi ro cao.

Với nhu cầu tín dụng bùng nổ dịp cuối năm và sự hỗ trợ kịp thời từ NHNN, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% không phải là điều không thể. Song, việc đạt được con số này cần đi đôi với sự kiểm soát rủi ro chặt chẽ, đảm bảo không đánh đổi sự ổn định của hệ thống tài chính. Để tín dụng thực sự trở thành động lực, điều cần nhất là chất lượng và hiệu quả, thay vì chỉ chạy theo các con số.

Có thể tạo ra lạm phát nếu kinh tế không thể hấp thụ vốn

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng lại cho rằng, rất khó để đạt được mức tăng trưởng tín dụng 15% vào cuối năm. Dù có đạt được, có lẽ cũng không nên tăng trưởng tín dụng theo kiểu số học như thế, nếu như nền kinh tế không có khả năng hấp thụ 15% này thì có thể tạo ra lạm phát.

Thực tế, tỷ lệ 15% là tăng trưởng tín dụng, còn tăng trưởng cả nền kinh tế là 7%. Thế nhưng, tăng trưởng về số học không nói lên được tăng trưởng thực chất, vì có một số ngành nghề tăng trưởng cao hơn. Do đó, nếu đẩy tăng trưởng tín dụng đạt 15% mà nền kinh tế không hấp thụ được, sẽ tạo ra rủi ro. “Không nên tăng trưởng bằng mọi giá”,  TS. Hiếu đánh giá thêm.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên cấp cao Đại học Kinh tế TPHCM cũng đồng tình, còn 1 tháng nữa, vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng tín dụng 15%. Tuy nhiên, phải xem xét cẩn trọng có phải là tăng theo kỹ thuật hay không. Thường thì tín dụng 2 tháng cuối năm rất cao, do cầu tín dụng nhiều. Nhưng nếu không thúc đẩy theo chỉ tiêu, khả năng tín dụng chỉ tăng trưởng vào khoảng 13-14%.

Ngân hàng tự tin vào mức tăng trưởng tín dụng

Theo ông Phạm Như Ánh – Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSE: MBB) trong các tháng cuối năm 2024, nhu cầu tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp tăng cao. Do đó, cầu dòng tiền huy động cũng tăng lên, có sức tăng nhẹ lãi suất huy động để chuẩn bị nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng cuối năm.

Mức tăng nhẹ lãi suất huy động vừa qua không ảnh hưởng lớn đến lãi suất đầu ra của ngân hàng. Các ngân hàng cũng đã chuẩn bị tối ưu chi phí hoạt động để đảm bảo được lãi suất mặt bằng thấp như hiện nay; qua đó, khả năng tiếp cận tín dụng của người dân trong cuối năm vẫn trong mức chấp nhận được.

Nhiều năm qua, các ngân hàng đã tích cực thay đổi sản phẩm, quy trình, giúp doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng đơn giản và tối ưu. Riêng MB tập trung chuyển đổi số. Hiện 50% lượng hồ sơ được thực hiện tự động, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng nhanh nhất.

MB tiếp tục hướng đến mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 70% các khoản vay được thực hiện trên ngân hàng số, giúp cho người tiêu dùng tối ưu được thời gian và chi phí.

Với lợi thế lượng khách hàng lớn, đến hết tháng 10, đầu tháng 11, MB đã sử dụng hết room tín dụng được NHNN giao cho năm 2024 và đang chờ đợi bổ sung mới.

MB có khoảng 75% dư nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 02 và Thông tư 06 cho phép giãn, hoãn nợ. Đến nay, khách hàng đã phục hồi sản xuất và sang năm 2025 thì việc này sẽ không tác động lớn đến bảng cân đối của Ngân hàng.

Đại diện Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) cho biết, ước tính đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng Ngân hàng sẽ vượt 20%, nhờ nhu cầu tín dụng tăng cao.

Cát Lam

FILI



Source link