Vào cuối tháng 10, Caty Foods nổi lên khi chốt deal thành công với Shark Bình cho 1 triệu USD sở hữu 10% vốn trong chương trình Shark Tank mùa 7. Nhớ lại, cách đây tròn 1 năm, Caty Foods cho ra mắt thương hiệu mì Thanh Long Caty với MV quảng bá hết sức viral trên mạng xã hội qua lời bài hát giản dị “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm”.
Người đứng sau ý tưởng đưa trái thanh long vào mì tôm và tác giả của bài hát quảng bá cho sản phẩm mì Thanh Long chính là ông Lê Quang Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ Phần Caty Foods và cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh Long tỉnh Bình Thuận.
Qua chia sẻ cùng phóng viên Nhadautu.vn, ông Huy đã có trải lòng về nỗi đau đáu muốn làm điều gì đó giúp người trồng thanh long vượt qua khó khăn, đặc biệt là tìm đầu ra ổn định cho trái thanh long. Và từ thành công ra mắt sản phẩm mì Thanh Long, Chủ tịch Caty Foods đang ấp ủ những kế hoạch lớn hơn với mộng ước làm nhiều điều hơn nữa cho nông sản Việt.
Theo hướng khác biệt để trụ vững trên thị trường
Từ đâu mà ông có ý tưởng làm nên sản phẩm mì Thanh Long?
Ông Lê Quang Huy: Thực sự ở tuổi của tôi thì không có nhu cầu phải khởi nghiệp, tìm đường làm ăn. Tôi trước đó cũng như hiện tại là Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh Long tỉnh Bình Thuận, đồng thời cũng sở hữu 20 ha trồng thanh long. Trong quá trình trồng thanh long, tôi hiểu rõ nỗi vất vả của người nông dân, một nắng hai sương để tạo nên quả thanh long.
Thế nhưng, đến khi thu hoạch gặp nhiều sự cố, thanh long không tiêu thụ được, giá xuống thấp, thậm chí có những lúc chi phí thuê người cắt trái thanh long còn nhiều hơn giá bán. Đó thực là nỗi đau của người trồng thanh long, không chỉ cá nhân tôi mà của nhiều bà con, đặc biệt là vùng trồng thanh long tỉnh Bình Thuận.
Nếu có thể đưa thành phần thanh long vào mì tôm thì tạo ra đầu ra chế biến sâu cho trái thanh long rất tốt.
Do vậy, tôi rất trăn trở, muốn giúp cho bản thân vượt qua khó khăn và chung tay mọi người tìm ra đầu ra cho trái thanh long. Hiệp hội và tôi đã đi rất nhiều nước để tìm cách xuất khẩu trái thanh long tươi, tuy nhiên vấn đề đóng gói, bảo quản chi phí khá cao.
Như bạn biết đấy, trái Thanh Long vỏ mỏng, nước nhiều, để giữ được phải có hộp cứng và giới hạn thời gian bảo quản, không thể để lâu như bưởi, dừa được… Thế nên, không còn cách nào khác là tập trung vào chế biến sâu, điều này bao thế hệ đã nghĩ đến và cũng ra đời thanh long xấy, nước ép thanh long, rượu vang thanh long…
Trong một lần đi siêu thị, tôi nhận thấy người Việt tiêu thụ mì tôm rất nhiều, hầu như tất cả gia đình đi siêu thị đều mua, dù ít dù nhiều. Tôi cho rằng nhu cầu tiêu thụ mì tôm nhiều như vậy, nếu có thể đưa thành phần thanh long vào mì tôm thì tạo ra đầu ra chế biến sâu cho trái thanh long rất tốt.
Trong sự thành công của mì Thanh Long ngày nay không thể thiếu chiến dịch quảng cáo sản phẩm với câu slogan “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm” viral khắp mạng xã hội thời điểm cuối năm ngoái? Được biết lời bài hát là do ông chắp bút?
Ông Lê Quang Huy: Tôi là người chắp bút và gieo vần cho lời bài hát. Với tâm thế là người trồng thanh long, Phó C=chủ tịch Hiệp hội Thanh Long, tôi viết nên bài hát với mong muốn người nghe yêu thương trái thanh long nhiều hơn, lo lắng cho cuộc sống của người trồng thanh long nhiều hơn.
Từ khi nảy sinh ý tưởng làm mì Thanh Long, tôi bắt đầu triển khai nghiên cứu sâu, thuê các giáo sư, tiến sỹ và mua dây chuyền thử nghiệm. Trong quá trình làm gặp nhiều khó khăn, như bột mì để làm sợi mì và trái thanh long là 2 vật liệu khác nhau, chỉ đơn thuần băm nhỏ hòa vào nhau thì gẫy rời ngay, không tạo thành sợi mì dai, ngon được.
Hay, thời gian để chín của 2 nguyên liệu cũng khác nhau, thanh long dễ chín trong khi mì khó chín, trong thời gian đợi mì chín thì thành phần thanh long cháy rồi mà để thanh long chín tới thôi thì thành phần mì bị sượng.
Do vậy, phải có kỹ thuật mới, công nghệ mới để làm, nhưng đầu tư công nghệ mới quá thì vướng chi phí sản xuất, làm giá thành vọt lên khiến sản phẩm khó bán. Trải qua nhiều khó khăn, trăn trở như vậy, tưởng chừng đã có lúc phải bỏ cuộc nên khi thành công tôi có nhiều cảm xúc và sáng tác ra được bài hát quảng bá. Ngay cả khi đặt tên công ty và sản phẩm Caty, tôi cũng xuất phát từ tên con sông Cà Ty gắn liền với con người và vùng đất Bình Thuận.
Ông có thể chia sẻ hiệu quả của việc MV quảng cáo viral khắp mạng xã hội mang lại? Tuy nhiên, thị trường mì tôm là thị trường cạnh tranh khốc liệt, điều gì giữ chân người tiêu dùng sau khi hiệu ứng viral qua đi?
Ông Lê Quang Huy: Tôi phải nhìn nhận viral của clip quảng bá giúp cho sản phẩm mì Thanh Long lên quá nhanh, vượt mong đợi của chúng tôi. Đơn hàng đến nhiều quá sức tưởng tượng, chúng tôi phải tăng cường sản xuất, tuyển thêm nhân viên triển khai hệ thống giao hàng, bán hàng. Trải qua hơn 1 năm, cho đến nay, năng lực sản xuất của công ty vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Tôi tin sản phẩm mì Thanh Long có thể trụ lại trên thị trường bởi đi theo hướng rất khác. Nhiều thương hiệu mì hiện nay ít quan tâm đến cải tạo bản chất sợi mì, sợi mì vẫn nhiều tinh bột, chiên nhiều dầu khiến người tiêu dùng lo ngại ăn quá nhiều tinh bột, nóng và không tốt cho sức khỏe.
Trong khi đó, trái thanh long có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe con người như bổ trợ tiêu hóa, chống lão hóa và có tính mát. Khi trái thanh long có thể kết hợp với mì ăn liền tạo nên món ăn bổ dưỡng, cân bằng tính nóng của mì thì người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm sữ dụng.
Trẻ em rất thích mì ăn liền, chúng tôi tâm niệm nếu không có sản phẩm sạch, chất lượng và an toàn thì rất có lỗi với thế hệ trẻ trong hiện tại và tương lai.
Mặt khác, sau cùng, niềm hạnh phúc của tôi không phải là bán được bao nhiêu gói mì, lãi được bao nhiêu mà người người, nhà nhà đang quan tâm đến trái thanh long, đến người trồng thanh long. Đặc biệt, các nhà sản xuất rất muốn tìm ra cách đưa được trái thanh long vào sản phẩm của họ từ soi môi, sản phẩm dưỡng da, đến bánh, kem, kẹo và nhiều, rất nhiều các sản phẩm khác…
Đưa Caty Foods lên sàn chứng khoán trong 4-5 năm tới
Thương hiệu mì Thanh Long được phổ biến mới là bước đầu, chắc hẳn ông còn các kế hoạch phát triển sau đó?
Ông Lê Quang Huy: Đúng vậy, để mì Thanh Long phát triển còn rất nhiều việc phải làm. Việc trước tiên là đầu tư dây chuyền sản xuất, hạ chi phí giá thành để sản phẩm tiếp cận được nhiều người tiêu dùng nhưng vẫn giữ được dưỡng chất của trái thanh long, trung hòa tính mát của trái thanh long cùng với sợi mì.
Song song với đó, Caty Foods chú trọng phát triển thị trường, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu khắp thế giới. Tôi xác định đã muốn ra thế giới thì phải vào Mỹ đầu tiên, bởi đây là thị trường khó tính nhất, chinh phục được thì các thị trường khác dễ dàng hơn. Tại thị trường này khó khăn lớn nhất là kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, nhờ việc chuẩn chỉnh ngay từ đầu nên mì Caty nhanh chóng qua ải. Hiện, công ty đã có chi nhánh tại Mỹ, chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm tại Mỹ và Canada.
Kế đến là thị trường đông dân nhất thế giới Trung Quốc, về mặt kỹ thuật mì Caty đã thông qua ở thị trường Mỹ nên dễ dàng đạt chuẩn. Tuy nhiên, chúng tôi gặp khó ở khâu giá bán, dù vậy, qua nhiều lần đàm phán, chứng minh chi phí sản xuất thì đối tác đã đồng ý nhập hàng.
Nhìn chung ở 2 thị trường này Caty Foods đã chuẩn bị sẵn sàng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, thương hiệu và giá cả, việc cần hoàn thiện tiếp theo là hệ thống phân phối.
Định hướng phát triển của Caty Foods ra sao?
Ông Lê Quang Huy: Tôi muốn đa dạng hóa sản phẩm, không chỉ mì mà còn sản xuất nước uống, nước mắm.
Với nước uống, tôi muốn đi theo hướng khác biệt là nước ion kiềm Caty không phải nước tinh khiết. Đây là loại nước được phát minh bởi Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản yêu cầu các nhà khoa học tìm cách để kéo dài tuổi thọ người dân, một trong biện pháp là phát minh ra nước ion kiềm.
Về nước mắm, tôi muốn đi theo hướng nước mắm truyền thống. Bình Thuận cũng rất có lợi thế về điều kiện tự nhiên, nắng tốt để tạo ra sản phẩm mắm thơm ngon.
Tôi xác định thành công này không thể giữ cho riêng mình được, muốn đi xa, muốn phát triển tốt phải IPO phải xã hội hóa công ty và sản phẩm.
Ông có thể chia sẻ về việc gọi vốn trên shark tank mới đây? Ban đầu ông muốn gọi 1 triệu USD cho 5% vốn nhưng sau lại đồng ý bán 10% vốn cho Shark Bình với giá 1 triệu USD?
Ông Lê Quang Huy: Thực ra để kêu gọi vốn chúng tôi có nhiều cách, mong muốn của tôi khi lên Shark Tank không chỉ gọi vốn mà còn tìm người giỏi có tâm, có tài đồng hành cùng Caty Foods để đi xa được.
Hơn nữa, 1 triệu USD chỉ là chi phí ban đầu khi Shark Bình tham gia đồng hành cùng doanh nghiệp, chúng tôi còn có câu chuyện phía sau như xây dựng nhà máy, mở rộng quy mô thì Shark Bình sẽ là người đồng hành cùng.
Caty còn khá non trẻ, chúng tôi mới làm chủ được kỹ thuật, xây dựng được thương hiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi. Caty Foods chưa chủ động được sản xuất mà phải đi gia công, điều đó khiến công ty không thể tối ưu hóa sản xuất được và cũng chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của đối tác, khách hàng. Sang năm, Caty Foods đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy và hệ thống phân phối, tự chủ sản xuất.
Tôi đặt mục tiêu đưa Caty Foods lên sàn chứng khoán trong 4 đến 5 năm tới. Nhìn chung, tôi xác định thành công này không thể giữ cho riêng mình được, muốn đi xa, muốn phát triển tốt phải IPO phải xã hội hóa công ty và sản phẩm. Tôi kỳ vọng khi IPO sẽ có những nhân tài mới gia nhập giúp doanh nghiệp phát triển tầm cao mới, qua đó, sản phẩm nông sản Việt nói chung và trái thanh long nói riêng có cơ hội phát triển xa hơn và rộng hơn nhiều nữa.
Xin trân trọng cảm ơn ông!