Năm 2024, Chính phủ tiếp tục coi giải ngân đầu tư công là động lực quan trọng để tăng tốc phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.
Bốn khó khăn chính
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đến hết tháng 10 của cả nước ước đạt 47,43% kế hoạch; đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chưa đạt kỳ vọng đặt ra.
Các địa phương, bộ, ngành còn lúng túng trong triển khai giải ngân vốn đầu tư công thì có những địa phương, bộ, ngành đã triển khai giải ngân tốt. Đáng chú ý, có 15/44 bộ, cơ quan trung ương và 41/63 địa phương đã nỗ lực phấn đấu, đạt tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ước 10 tháng đạt trên mức trung bình của cả nước. Tiêu biểu một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân cao gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Đài Truyền hình Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Long An, Hòa Bình, Tiền Giang, Thanh Hóa…
Tuy nhiên, những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về cơ chế chính sách; giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA.
Cụ thể từ góc độ ngành GTVT, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ GTVT cho biết, tính đến hết tháng 9/2024, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 71.288 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2024 và vừa rồi mới được giao thêm 1.240 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022. Dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung thêm 2.954 tỷ đồng cho các dự án nhóm B đang thiếu vốn. Như vậy, năm 2024, Bộ GTVT dự kiến được giao khoảng 75.482 tỷ đồng.
Về kết quả giải ngân, tính đến hết tháng 10/2024, Bộ GTVT đã giải ngân được 47.759 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch. Theo báo cáo của các chủ đầu tư/Ban QLDA, Bộ GTVT dự kiến năm 2024 sẽ giải ngân được khoảng 75.228 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn giao.
Về các khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của Bộ GTVT, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết có 4 khó khăn chính. Thứ nhất, trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng qua nhiều khâu, nhiều bước nên mất rất nhiều thời gian (đặc biệt là các thủ tục như: chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa…).
Thứ hai, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật vẫn là khâu tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án.
Thứ ba, về vật liệu xây dựng, thời gian vừa qua được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ đã giảm bớt nhiều thủ tục. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung cấp vật liệu tại một số dự án vẫn còn vướng mắc, chậm được giải quyết, đặc biệt trong việc cấp phép, nâng công suất các mỏ, làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án.
Thứ tư, thời tiết ngày càng bất thường, rất khó dự báo; đặc biệt thời gian tới vào mùa mưa lũ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS Trần Đình Thiên nhận định, giải ngân dự án đường dây 500 vạch 3 là “điều thần kỳ” khi 6 tháng đã hoàn thành với tiến độ rất ấn tượng với động lực thúc đẩy từ toàn tuyến, từ trung ương đến địa phương.
Vị chuyên gia cũng cho biết ấn tượng với tốc độ giải ngân sân bay Long Thành. “Hai dự ản khủng tưởng chừng như giải ngân sẽ rất khó nhưng đã hoàn thành giai đoạn đầu rất tốt. Từ kinh nghiệm hay của 2 dự án này chúng ta sẽ tìm ra bài học cho các dự án khác”, TS Trần Đình Thiên nói.
“Bên cạnh “ấn tượng dương” thì “ấn tượng âm” như TP HCM giải ngân lớn nhưng lại rất khó. Tôi nghĩ không phải do TP HCM kém linh hoạt hay kém nỗ lực nhưng vẫn chậm dù có cả Nghị quyết riêng về giải ngân. Đây là điều gây cho tôi ấn tượng nặng nề. Trong khi đó, TP Hà Nội tuy giải ngân cao hơn TP HCM nhưng vẫn mức trung bình cả nước. Vậy, nhiều địa phương gánh vác thúc đẩy tăng trưởng quốc gia nhưng lại giải ngân thấp là điều chúng ta phải suy nghĩ”, TS Trần Đình Thiên nói.
Lượng vốn lớn dồn vào cuối năm
Trong khi đó, mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra là giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt tỷ lệ tối thiểu 95%. Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, trong khi còn một lượng vốn rất lớn cần được giải ngân.
Do đó, để đẩy nhanh vốn đầu tư công, ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết triển khai công khai giải ngân, minh bạch, điều chỉnh nguồn vốn, nếu không giải ngân, không điều chỉnh cắt nguồn vốn.
“Vụ Đầu tư cùng kho bạc kiểm tra tìm các nguyên nhân, trong tổ chức triển khai, một số dự án vướng cơ chế chính sách, các bước triển khai các dự án lớn còn dài. Có tiền rồi, làm chủ trương đầu tư, làm dự án, đấu thầu…rất lâu. Vướng luật khó xoay chuyển được”, ông Đức nhấn mạnh.
Đồng thời cho biết, Vụ Đầu tư Bộ Tài chính đặt mục tiêu nữa là yêu cầu hệ thống cơ quan tài chính các địa phương, tổ chức đi kiểm tra, yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ thanh toán theo quy định.
Ông Dương Bá Đức nhận định vướng mắc lớn nhất hiện nay vẫn là giải phóng mặt bằng, trong quá trình thẩm tra phân bổ có yêu cầu làm lại kế hoạch vốn, sát với thực tiễn, thậm chí có trường hợp giữ kế hoạch vốn, dự án chưa xong, vẫn giữ… Vụ sẽ có các văn bản báo cáo Bộ trưởng, Phó Thủ tướng tháo gỡ.
Với ngành GTVT, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, Bộ đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Một là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm của người đứng đầu và của đơn vị.
Hai là, chỉ đạo các Chủ đầu tư/Ban QLDA thường xuyên rà soát kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án và cam kết chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT về tiến độ giải ngân.
Ba là, yêu cầu các chủ đầu tư và nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để triển khai thi công; phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, khai thác mỏ vật liệu.
Bốn là, khẩn trương hoàn thiện thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu.
Năm là, theo dõi, giám sát tiến độ giải ngân hàng tháng, kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn. Từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT đã điều chỉnh 04 đợt cho 35 dự án, giá trị vốn điều chỉnh gần 3.000 tỷ đồng, để bảo đảm đủ nguồn vốn cho các dự án.