Chi tiết

Châu Á tìm cách đối phó với thách thức mới dưới thời Trump 2.0

20-hq1111anh-bai-trump20241111183410.jpg
Khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, châu Á chuẩn bị cho những gì có thể là một trong những sự thay đổi mạnh mẽ nhất về thương mại quốc tế

Khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng tới, thị trường toàn cầu và các đối tác thương mại của Mỹ đang chuẩn bị cho những sự thay đổi mạnh mẽ nhất về thương mại quốc tế kể từ Thế chiến II.

Những lời cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Trump cho thấy lập trường về thuế quan của ông quyết liệt hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên, với các đề xuất về mức thuế cơ sở chung lên tới 20% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu và mức thuế tiềm năng lên tới 60% đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất. Chỉ riêng những tín hiệu này đã thúc đẩy các nước châu Á đánh giá lại chuỗi cung ứng và chiến lược đầu tư của họ trước khi ông Trump chính thức lên nắm quyền.

Lập trường quyết liệt của chính quyền Trump đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông đã thay đổi cơ bản mối quan hệ kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cách tiếp cận của ông Trump đối với thuế quan nhập khẩu phù hợp với tầm nhìn kinh tế “Nước Mỹ trên hết” của ông, nhấn mạnh vào việc bảo vệ các ngành công nghiệp Hoa Kỳ để giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại.

Các chính sách trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông nhắm vào những gì được ông cho là các hoạt động thương mại không công bằng, hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và sự xói mòn việc làm trong ngành sản xuất của Hoa Kỳ, đặc biệt là liên quan đến Trung Quốc.

Khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 2017, chính phủ liên bang đã thu được 34,6 tỷ đô la Mỹ tiền thuế hải quan, thuế và phí. Sau đó, con số này đã tăng gấp đôi dưới sự giám sát của ông lên 70,8 tỷ đô la Mỹ vào năm 2019. Thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc cũng đang leo thang, bao gồm khoảng 370 tỷ đô la Mỹ hàng nhập khẩu.

Các biện pháp này có tác động đáng kể đến các nền kinh tế châu Á được tích hợp vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Tăng trưởng GDP ở các nước đang phát triển châu Á đã giảm từ 5,9% vào năm 2017 xuống 5,2% vào năm 2019, một phần là do căng thẳng thương mại gia tăng.

Trong đó, Việt Nam nổi lên là một bên hưởng lợi đáng kể, với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng 28,8% trong quý đầu tiên của năm 2019 khi các nhà sản xuất tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng này đã tiếp tục định hình lại các mô hình thương mại trong khu vực.

0001977ph-1538004763-4827-1538-1554-3880-1731033503.jpg
Những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là trọng tâm dưới thời Tổng thống Trump

Các nền kinh tế châu Á cho thấy các mức độ phục hồi khác nhau, với Ấn Độ duy trì tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình 7,2% trong giai đoạn 2022-2023, trong khi các nền kinh tế Đông Nam Á đã chứng minh khả năng thích ứng đáng chú ý.

Ví dụ, Indonesia duy trì tăng trưởng ổn định ở mức hơn 5% vào năm 2023, nhưng Nhật Bản phải vật lộn với lạm phát và đồng tiền mất giá khi giữ tăng trưởng khiêm tốn.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã tạo ra khối thương mại lớn nhất thế giới, có khả năng bù đắp một số tác động tiêu cực của căng thẳng Mỹ-Trung.

Thêm vào đó, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng và sự tham gia ngoại giao đã làm tăng thêm sự phức tạp cho các mối quan hệ trong khu vực.

Theo Giáo sư Syed Munir Khasru, Chủ tịch của tổ chức tư vấn quốc tế IPAG Châu Á – Thái Bình Dương, chiến lược của ông Trump tập trung vào chủ nghĩa dân tộc kinh tế, nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài và sử dụng quy mô thị trường Mỹ để đạt được các thỏa thuận thương mại có lợi.

Ông đã sử dụng thuế quan, ưu đãi thuế và áp lực công chúng để khuyến khích sản xuất trong nước, cũng như tuyên bố rằng các chính sách thương mại trước đây gây bất lợi cho người lao động Hoa Kỳ.

Chương trình nghị sự rộng hơn của ông Trump bao gồm bãi bỏ quy định, giảm thuế doanh nghiệp và củng cố các ngành sản xuất truyền thống. Trong khi một số ngành công nghiệp được hưởng lợi từ các biện pháp bảo vệ này, thuế quan làm tăng chi phí cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thuế quan trả đũa cũng gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ, đặc biệt là nông dân.

Chuyên gia này cho rằng, nhìn về các kịch bản tiềm ẩn liên quan đến các chính sách của ông Trump vào năm 2025 nhằm “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, các quốc gia châu Á phải đối mặt với một số thách thức kinh tế quan trọng.

Khả năng căng thẳng thương mại gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể buộc những quốc gia này phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về hợp tác kinh tế. Ông Khasru chỉ ra, các quốc gia phụ thuộc nhiều vào cả hai thị trường có thể cần đẩy nhanh các nỗ lực đa dạng hóa kinh tế, tăng cường hội nhập khu vực, phát triển thị trường trong nước mạnh mẽ hơn và đầu tư vào khả năng tự cung tự cấp về công nghệ.

Cấu trúc an ninh khu vực có thể phải đối mặt với nhiều căng thẳng hơn nếu sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, đòi hỏi các quốc gia phải cân bằng giữa mối quan hệ an ninh với Mỹ, quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đoàn kết khu vực, vai trò trung tâm của ASEAN và các ưu tiên về an ninh trong nước.

“Đối với các quốc gia châu Á đang tìm cách vượt qua những thách thức này, một số cách tiếp cận chiến lược cần được cân nhắc. Cụ thể, tăng cường hợp tác khu vực thông qua việc tăng cường thương mại và đầu tư nội khối có thể giúp giảm sự phụ thuộc vào cả thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc”, Giáo sư Syed Munir Khasru nói.

Hơn nữa, khu vực châu Á cần tập trung vào nền kinh tế số thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như dịch vụ viễn thông tốc độ cao, trung tâm dữ liệu và thanh toán kỹ thuật số tức thời để duy trì khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.

Sự ổn định và thịnh vượng trong tương lai của châu Á phụ thuộc phần lớn vào cách các cường quốc kinh tế khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ và Singapore điều hướng các động lực chính trị – kinh tế phức tạp trong khi vẫn duy trì quyền tự chủ chiến lược của họ bằng cách cân nhắc đến những tác động của ông Trump đối với quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc.

Nguồn