Chi tiết

Châu Âu thêm cơn “đau đầu” vì ông Donald Trump

eurozonemanufacturing-jun03-lt.jpg
Nền sản xuất của châu Âu chậm lại do sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế (Ảnh: RTT News)

Sản xuất chậm lại, lo ngại gia tăng

Hoạt động kinh doanh tại khu vực đồng euro đã giảm trong tháng 11 khi mối đe dọa về việc tăng thuế xuất khẩu sang Mỹ làm gia tăng những bất ổn chính trị trong khối, theo các khảo sát được công bố vào hôm 22/11.

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) tổng hợp của khu vực đồng euro, được Hamburg Commercial Bank và S&P Global công bố vào cuối tuần qua, giảm xuống còn 48,1 – mức thấp nhất kể từ đầu năm. Chỉ số này giảm mạnh hơn dự báo của các nhà kinh tế được The Wall Street Journal (WSJ) khảo sát.

Khi các doanh nghiệp châu Âu cắt giảm nhân sự tháng thứ tư liên tiếp, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có khả năng sẽ đẩy nhanh tốc độ giảm lãi suất, theo các chuyên gia. Đồng euro (EUR) đã giảm xuống mức thấp gần hai năm so với đồng USD sau khi các khảo sát được công bố, cho thấy các nhà đầu tư kỳ vọng nhiều khả năng cắt giảm lãi suất nhanh hơn.

Tại Anh, các khảo sát bất ngờ cho thấy nền kinh tế đang rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong hơn một năm, khi các doanh nghiệp phản ứng tiêu cực với việc tăng thuế của chính phủ vào cuối tháng 10.

Các doanh nghiệp trong khu vực đồng euro gồm 20 thành viên cho biết họ đã bắt đầu cắt giảm nhân sự trước viễn cảnh đầu tư yếu và nhiều thách thức phía trước. Một nguyên nhân đặc biệt đáng lo ngại là khả năng Mỹ áp mức thuế nhập khẩu cao hơn, một yếu tố chính trong chiến dịch tranh cử thành công của ông Trump.

Thuế quan đang là “từ khóa” trung tâm trong kế hoạch kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Với mức dự báo áp thuế ít nhất 10% lên các hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, đây sẽ là một sự thay đổi lớn trong chính sách thương mại. Dù vậy, chi tiết và cách thức áp dụng vẫn là câu hỏi lớn.

Theo các chuyên gia, khả năng cao là thương mại giữa châu Âu và Mỹ – đối tác xuất khẩu quan trọng nhất của họ sẽ bị thu hẹp, mặc dù chi tiết vẫn chưa rõ ràng và có thể có sự miễn giảm qua đàm phán.

Tuy nhiên, nền kinh tế khu vực đồng euro vốn dĩ rất mở cửa đang đối mặt với nguy cơ từ môi trường thương mại bất lợi hơn. Chủ tịch ECB Christine Lagarde hôm thứ 22/11 cảnh báo về “những mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với tự do thương mại từ mọi phía trên thế giới.”

Trump vs EU
Triển vọng u ám từ chính sách thương mại khắc nghiệt hơn của Mỹ trong tương lai thêm đe dọa nền kinh tế và chính trị châu Âu (Ảnh: Euronews)

Thêm chia rẽ về chính trị

Triển vọng bất ổn thương mại đang bổ sung vào hỗn loạn chính trị tại Pháp và Đức – hai nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro.

Chính phủ Pháp dưới thời Thủ tướng mới Michel Barnier đang gặp khó khăn trong việc giành sự ủng hộ của Quốc hội đối với dự thảo ngân sách năm 2025. Dự thảo này đề xuất cắt giảm 40 tỷ euro chi tiêu công và tăng thuế 20 tỷ euro nhằm giảm thâm hụt ngân sách, nhưng đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cả cánh tả và cánh hữu.

Trong khi đó tại Đức, Thủ tướng Olaf Scholz buộc phải tổ chức bầu cử sớm sau khi liên minh cầm quyền sụp đổ.

“Sự bất ổn chính trị, gia tăng kể từ khi ông Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ và thông báo tổ chức bầu cử sớm ở Đức vào ngày 23/2, đang không mang lại lợi ích gì,” Cyrus de la Rubia, một nhà kinh tế của Hamburg Commercial Bank, nhận định.

Kinh tế khu vực đồng euro đã vật lộn để phục hồi sau đợt tăng giá năng lượng và thực phẩm từ 2022. Cơ quan thống kê Đức hôm 22/11 cho biết nền kinh tế khối tăng trưởng chỉ bằng một nửa so với ước tính ban đầu.

Một mối lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách của ECB là khảo sát cho thấy giá cả do doanh nghiệp đặt ra tăng nhanh hơn, mặc dù họ có khả năng tập trung vào tác động dài hạn của lạm phát đối với một nền kinh tế có nguy cơ suy thoái.

Lĩnh vực dịch vụ khu vực đồng euro đã rơi vào suy thoái, trong khi chỉ số sản xuất rơi sâu hơn vào khủng hoảng do các nhà sản xuất hàng hóa lo lắng về diễn biến tại Washington, các khảo sát cho thấy. Tại Đức, nền kinh tế quan trọng nhất và là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất khu vực đồng euro, hoạt động kinh doanh chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2.

“Sự bất ổn có khả năng trầm trọng hơn trước khi ông Trump nhậm chức”, ông Soeren Radde, một cựu kinh tế gia của ECB, cho biết và dự báo tâm lý thị trường sẽ xấu đi khi chi tiết chính sách thương mại của Mỹ được tiết lộ trong những tháng tới.

Nguồn