Chi tiết

Chạy nước rút giải ngân vốn đầu tư công cuối năm

Thúc đẩy khơi thông các dự án cửa ngõ

Dự án xây dựng cầu Bà Hom (quận Bình Tân, TP. HCM) bắc qua kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên được khởi công vào năm 2018 với tổng mức đầu tư khoảng 374 tỷ đồng. Công trình nằm trên tỉnh lộ 10, có vai trò kết nối giao thông giữa TPHCM với tỉnh Long An. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng nên dự án bị “treo” suốt thời gian dài. Đến cuối tháng 10/2023, quận Bình Tân đã bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư nhằm thi công dự án trở lại. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành và thông xe vào cuối năm nay.

Tương tự, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh, TP. HCM) gồm hơn 4km làm mới đường song hành và mở rộng hơn 2km Quốc lộ 50 hiện hữu từ 7m lên 34m (quy mô 6 làn xe) cũng đang triển khai hết sức ì ạch vì vướng mặt bằng. Tại công trình đường song hành, ở một số đoạn vẫn còn ngổn ngang.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM (Ban giao thông, chủ đầu tư) cho biết, dự án được thực hiện trong giai đoạn 2022-2025 với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách trung ương và TP. HCM. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật được tách ra thành dự án riêng do Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh làm chủ đầu tư.

Những ngôi nhà án ngữ tại dự án quốc lộ 50. Ảnh: H.H

Ngoài các dự án trên, một số dự án giao thông khác như đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, quận Tân Bình (kết nối nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất) và đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) cũng đang bị vướng mặt bằng và đường dây điện. Những vướng mắc này có nguy cơ làm chậm tiến độ thi công các dự án.

Theo đại diện Ban Giao thông TP. HCM, công trình xây dựng cầu Bà Hom đến nay đã đạt 70% khối lượng công việc. Hiện tại, nhà thầu đang thi công kết cấu phần trên của cầu chính và hoàn thiện mặt đường mở rộng cũng như vỉa hè. Tuy nhiên, dự án đang bị vướng thu hồi trụ điện. Ban Quản lý dự án lưới điện phân phối TP. HCM cam kết sẽ thu hồi để bàn giao mặt bằng cho Ban Giao thông. “Sau khi có mặt bằng sạch, chúng tôi sẽ yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành cầu Bà Hom đúng như kế hoạch đề ra”, đại diện Ban Giao thông TP. HCM thông tin.

Đại diện Ban Giao thông TP. HCM cho biết, trong hai tháng cuối năm, Ban sẽ nỗ lực giải ngân với các khoản chi lớn. Để làm được điều này, điều kiện đầu tiên là vướng mắc về mặt bằng cần được tháo gỡ. Ngoài ra, các dự án trọng điểm vẫn tiếp tục duy trì thi công “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh, đảm bảo tiến độ thi công như kế hoạch.

Chạy nước rút

Các nhóm dự án khác tại TP. HCM cũng đang bị chậm giải ngân gồm nhóm dự án chống ngập do triều (UBND TP. HCM đang kiến nghị Trung ương) với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng; nhóm điều chỉnh quy hoạch 4.000 tỷ đồng; nhóm bồi thường giải phóng mặt bằng là 30.000 tỷ đồng gồm rạch Xuyên Tâm, bờ bắc kênh Đôi. Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP. HCM cũng cho biết đã tham mưu UBND thành phố chia tách các nhóm dự án để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ông Phạm Tuấn Anh, Trưởng phòng Tổng hợp Quy hoạch – Sở KH&ĐT TP. HCM cho biết, lãnh đạo thành phố đã có nhiều chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, phân tích rõ nguyên nhân, phân nhóm những vướng mắc, qua đó, giao nhiệm vụ cụ thể từng cơ quan, từng lãnh đạo giám sát để xử lý vướng mắc. Hiện các công việc đang được triển khai hết sức khẩn trương.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai, năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh có hơn 20.000 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn vốn kéo dài thời gian thực hiện). Tính đến cuối tháng 10, tổng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đã giải ngân hơn 9,3 nghìn tỷ đồng, đạt gần 46% kế hoạch (trong đó, tổng vốn đầu tư công bố trí cho các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã được giải ngân gần 3,9 ngàn tỷ đồng, đạt hơn 51% kế hoạch) và chỉ có 8 đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 60% kế hoạch gồm các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Tân Phú; thành phố Long Khánh; Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao; Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi; Sở Xây dựng và Sở Y tế.

Tại Hội nghị giao ban tình hình kinh tế – xã hội – quốc phòng – an ninh mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức thẳng thắn nhìn nhận, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này còn đạt thấp và tỷ lệ giải ngân các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt kỳ vọng. Đồng Nai là một trong 22 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Với thời gian trong năm không còn nhiều, trong khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công phải thực hiện rất cao, tỉnh Đồng Nai đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy, trong đó, UBND tỉnh đã thành lập 3 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Ông Đức yêu cầu các tổ trưởng phải quyết liệt kiểm tra, chấn chỉnh, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đảm bảo đạt từ 95% kế hoạch trở lên.

Ông Lai Xuân Đạt, Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết tính đến tháng 10/2024, giá trị giải ngân đầu tư công năm 2024 hơn 6.767 tỷ đồng, đạt 44,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 32,2% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao. Trong đó, giá trị giải ngân các công trình trọng điểm đến nay hơn 4.441 tỷ đồng, đạt 26,5% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân của tỉnh.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, tỷ lệ giải ngân đến nay chưa đạt được kỳ vọng, lượng vốn chưa giải ngân khá lớn, tập trung ở các công trình, dự án trọng điểm, dẫn đến áp lực giải ngân trong những tháng còn lại là rất lớn để hoàn thành được mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Tính đến cuối tháng 10/2024, TP. HCM đã giải ngân vốn đầu tư công 17.200 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 22% trong tổng nguồn vốn đầu tư công 79.200 tỷ được giao của năm 2024. Trong số khoảng 63.000 tỷ đồng còn lại, có 32.000 tỷ đồng dùng cho nhóm các dự án cần giải phóng mặt bằng.

(Theo Tiền Phong)



Nguồn