JP Morgan nâng dự báo về tổn thất được bảo hiểm trong vụ cháy rừng Los Angeles lên 20 tỷ USD, còn AccuWeather ước tính thiệt hại kinh tế 135-150 tỷ USD.
Từ ngày 7/1, ba đám cháy Pacific Palisades, Eaton và Hurst cùng một số đám cháy nhỏ hơn đã hợp thành tam giác “bão lửa” có tổng diện tích hơn 11.600 hecta, làm hư hại hoặc thiêu rụi hoàn toàn hơn 10.000 công trình, khiến hơn 180.000 người phải sơ tán ở Los Angeles. Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả là đây là thảm họa cháy rừng “lan rộng nhanh và tàn khốc nhất lịch sử California”.
Các nhà phân tích vẫn đang đánh giá về tác động tài chính của thảm họa này. Chỉ trong vài ngày, nhiều tổ chức đã nâng ước tính về thiệt hại mà vụ cháy rừng gây ra. Ngày 10/1, ngân hàng JP Morgan nâng gấp đôi dự báo về mức tổn thất được bảo hiểm, lên 20 tỷ USD. Wells Fargo đưa ra con số tương tự, đồng thời cảnh báo tổng tổn thất kinh tế gây ra bởi thảm họa này có thể lên hơn 60 tỷ USD.
Hãng dự báo thời tiết tư nhân AccuWeather thậm chí ước tính thiệt hại kinh tế lên tới 135-150 tỷ USD, báo hiệu quá trình phục hồi sẽ rất khó khăn và phí bảo hiểm của các chủ sở hữu nhà sẽ tăng vọt.
“Sẽ phải mất nhiều tuần đến nhiều tháng để xác định mức độ tổn thất đã được bảo hiểm. Tuy nhiên, vụ cháy rừng tại Los Angeles có thể là một trong những hỏa hoạn đắt đỏ nhất lịch sử bang California”, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s Ratings cho biết.
Raymond James dự báo giá trị tổn thất được bảo hiểm trong khoảng 11-17,5 tỷ USD, cho rằng thảm họa này có thể là vụ cháy rừng đắt đỏ nhất lịch sử nước Mỹ. Các nhà phân tích tại Morningstar DBRS vẫn giữ nguyên dự báo tổn thất được bảo hiểm trên 8 tỷ USD.
Chốt phiên giao dịch 10/1, cổ phiếu các hãng bảo hiểm Mỹ đồng loạt lao dốc. Cổ phiếu Travelers giảm 4%. Mercury General giảm 22%, trong khi Allstate mất 7%. Chubb và AIG cũng giảm lần lượt 4% và 1,3%.
Hôm 10/1, Mercury General cho biết họ cần thêm thời gian để ước tính tổng thiệt hại. Vì hỏa hoạn vẫn có thể tiếp diễn, hãng cho rằng nếu không tính phần tái bảo hiểm, thiệt hại của riêng họ sẽ vượt 150 triệu USD.
Tái bảo hiểm là quá trình một công ty bảo hiểm chuyển một phần trách nhiệm chi trả của mình cho bên thứ ba. Bằng cách này, họ có thể giảm bớt rủi ro, giúp cải thiện quản lý vốn và đảm bảo ổn định tài chính.
Cổ phiếu các hãng bảo hiểm châu Âu cũng chịu ảnh hưởng. Beazley, Lancashire và Hiscox đóng cửa phiên cuối tuần với mức giảm 3-5,7%.
Pacific Palisades là một trong những khu vực đắt đỏ nhất tại Mỹ, có nhà của nhiều sao hạng A Hollywood và những căn biệt thự trị giá hàng triệu USD. Sau vụ hỏa hoạn tuần này, phí bảo hiểm ở đây có thể tăng vọt.
“Dù các hãng bảo hiểm bất động sản hàng đầu tại Mỹ có nền tảng tài chính tốt, thị trường bảo hiểm bất động sản tại California lại gặp nhiều thách thức thời gian qua. Việc này khiến nhiều hãng bất động sản hàng đầu nghĩ lại về các sản phẩm bảo hiểm, thậm chí rút hẳn khỏi thị trường”, Morningstar DBRS nhận định.
Hà Thu (theo Reuters, Washington Post)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chay-rung-o-los-angeles-co-the-gay-thiet-hai-kinh-te-150-ty-usd-4837980.html