Với quy mô vốn điều lệ gần 4.000 tỷ, những con số mục tiêu kinh doanh được TTC Land (SCR) đặt ra cho năm 2024 đem đến nhiều thất vọng. Năm 2023, ROE và ROA chỉ đạt vỏn vẹn 0,2% và 0,1% đặt dấu hỏi về bài toán sử dụng vốn của công ty.
SCR – 3 tháng dừng “cuộc chơi” ở 3 công ty con
CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín – TTC Land (Mã SCR – HoSE) thông báo Nghị quyết HĐQT về việc tạm ngừng kinh doanh CTCP Đầu tư Bất động sản TTC Land Hưng Điền.
Thời gian tạm ngừng kinh doanh trong vòng 12 tháng kể từ ngày 1/8. Đươc biết, SCR hiện nắm giữ 61% vốn góp tại công ty bất động sản có trụ sở tại TP. HCM này.
Trước đó ngày 2/7, TTC Land đã thông qua việc giải thể 2 công ty con là Công ty TNHH MTV TTC Land Retail Management và Công ty TNHH MTV Đầu tư Bất động sản TTC Land Phú Quốc với lý do để tái cơ cấu lại nhóm công ty con nhằm tối ưu việc vận hành.
Hình minh họa |
Tại thời điểm cuối quý I/2024, SCR đang sở hữu 11 công ty con trực tiếp và 2 công ty liên kết trong đó TTC Land góp vốn đầu tư 1,3 tỷ đồng (tỷ lệ 100%) để thành lập TTC Land Retail Management hồi tháng 7/2018 và góp 50 triệu đồng (tỷ lệ 100%) để thành lập TTC Land Phú Quốc hồi đầu năm 2019.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý I/2024, doanh thu của TTC Land chỉ vỏn vẹn 69,5 tỷ đồng – chưa bằng 10% kế hoạch đề ra; lợi nhuận sau thuế chưa đầy 4,8 tỷ (mục tiêu cả năm chỉ là 12,8 tỷ đồng).
Với quy mô vốn điều lệ gần 4.000 tỷ, những con số mục tiêu kinh doanh được SCR thông qua tại ĐHCĐ thường niên 2024 là chưa tương xứng với kỳ vọng của cổ đông. Minh chứng là trong năm 2023, ROE và ROA của TTC Land chỉ đạt vỏn vẹn 0,2% và 0,1% – thấp hơn rất nhiều so với trung bình nhóm bất động sản (10,7% và 4,2%).
Tại thời điểm cuối tháng 3/2024, tổng nguồn vốn của SCR là khoảng 10.660 tỷ đồng. Số này bao gồm hơn 4.000 tỷ đồng giá trị tồn kho, 3.350 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn và 891 tỷ đồng khoản phải thu dài hạn. Tổng 3 khoản mục này là 8.240 tỷ đồng (chiếm 77,3% nguồn vốn).
Bên kia bảng cân đối, tổng nợ của công ty ghi nhận hơn 5.534 tỷ đồng, trong đó 3.100 tỷ và vay nợ tài chính. Các khoản vay dài hạn tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2023 lên mức 1.428 tỷ đồng.
Trong khi đó, TTC Land đang có khoản nợ hơn 302,7 tỷ đồng, vay ngắn hạn từ các ngân hàng và phải tất toán trong năm 2024 cho các ngân hàng: BIDV (hơn 220 tỷ đồng), Vietinbank (hơn 43,8 tỷ đồng), HDBank (hơn 29,6 tỷ đồng) và NamABank (hơn 9,1 tỷ).
Mặt khác, tổng số tiền TTC Land đang vay từ các cá nhân và tổ chức thuộc hệ sinh thái của TTC Group (công ty mẹ của TTC Land) cũng lên tới 863 tỷ đồng.
Với ước tính lãi suất bình quân các khoản vay của TTC Land là khoảng 11%/năm, ước tính số tiền công ty trả lãi vay trong năm nay là hơn 330 tỷ đồng.
Tổng thể trong năm 2024, công ty phải đối mặt với áp lực tài chính tương đối lớn; tổng số tiền phải thanh toán cho các cá nhân, tổ chức và ngân hàng trong lên tới hơn 2.000 tỷ đồng bao gồm: Hơn 302,7 tỷ vay nợ ngân hàng, 863 tỷ đồng vay tổ chức và cá nhân, 520 tỷ đồng nợ vay dài hạn đến hạn thanh toán và hơn 330 tỷ đồng tiền lãi vay (ước tính).
Lấy đâu tiền để thanh toán nợ đến hạn?
Như đã thông tin, với việc 77,3% nguồn vốn đang nằm trong danh mục khoản phải thu và hàng tồn kho, việc chi trả các khoản nợ vay tài chính của TTC Land trong năm phụ thuộc rất nhiều vào việc bán hàng và thu hồi công nợ.
Các dự án bất động sản của TTC Land đang triển khai cũng không khả quan, phần lớn gặp phải tình trạng đình trệ do vướng mắc pháp lý hoặc không đáp ứng nhu cầu thị trường. Các dự án bất động sản đang vướng mắc pháp lý có thể kể đến: Dự án khu liên hợp Nhà ở – Văn phòng – Thương mại Tản Đà – Hàm Tử tại Quận 5, TP. HCM; Dự án Charmington Iris tại Quận 4, TP. HCM; Dự án Charmington Golf & Life tại 18B Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TP. HCM…
Khoản doanh thu èo uột trong quý I/2024 là một minh chứng cụ thể. Đây cũng là nghi vấn về khả năng doanh nghiệp hoàn thành cam kết kinh doanh cả năm với cổ đông. Và… việc trông cậy vào mức lợi nhuận 3-5 tỷ đồng/quý (trong 5 quý gần nhất) là không khả thi.
Tình hình kinh doanh của TTC Land lao dốc mạnh trong những năm gần đây |
Trong khi đó, các khoản phải thu cho vay đối với nhóm công ty con, công ty liên kết nhiều khả năng sẽ trong trạng thái ì ạch khi nhóm này chưa có dòng tiền thu về từ bán hàng do các dự án chậm thủ tục pháp lý hoặc chưa đủ điều kiện mở bán.
Mặt khác, con số 81 tỷ đòng tiền và tương đương tiền cùng 18 tỷ đồng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng là quá ít để TTC Land lo vẹn toàn áp lực thanh toán các khoản nợ.
Nhưng thực trạng chưng ở một số doanh nghiệp bất động sản trong hai năm trở lại đây (thoái vốn, chuyển nhượng cổ phần… để giảm áp lực tài chính), việc TTC Land thông báo thoái vốn tại hai công ty con hồi đầu tháng 7 vừa qua cũng như quyết định tạm ngừng kinh doanh TTC Land Hưng Điền ngày 11/7 là bài toán không hề mới.
Tuy nhiên, giải pháp này không giúp “hầu bao” của công ty trở nên “rủng rỉnh” hơn.
Giải pháp cấp bách được đưa ra ngày 22/5 vừa qua là việc HĐQT SCR đã thông qua phương án phát hành cổ phần để hoán đổi khoản nợ 349,3 tỷ đồng (chủ yếu của CTCP Đầu tư TTC và CTCP KCN TTC) nhằm giảm bớt áp lực trả nợ cho các cá nhân và tổ chức.
Diễn biến giá cổ phiếu SCR |
Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự ấm trở lại và cổ phiếu SCR trên sàn chứng khoán chỉ có giá 6.x đồng, thanh khoản gần như cạn kiệt, không dễ để TTC Land thuận lợi huy động được dòng tiền lúc này.