Chi tiết

“Chìa khoá” cho doanh nghiệp tăng trưởng bền vững

ong Jonathan
ong Jonathan

Trao đổi với DĐDN, ông Jonathan D.London – Chuyên gia kinh tế cao cấp chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh: dù gặp nhiều thách thức song kinh tế Việt Nam năm 2024 đã phát triển tốt, góp phần để Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Chúng ta có thể tự tin về triển vọng tăng trưởng trong giai đoạn 5 năm tiếp theo. Chỉ có điều Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn cho dài hạn.

– Ông nhận định thế nào về xu hướng phát triển sẽ tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp năm 2025 và những năm tiếp theo?

Là quốc gia phải chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, chắc chắn rồi, chuyển đổi xanh có vai trò quan trọng. Thiệt hại to lớn từ bão lũ đã diễn ra trong năm 2024, nhìn ở khía cạnh khác, khiến Việt Nam phải đầu tư mạnh hơn cho tăng trưởng bền vững để nền kinh tế hướng đến tiên tiến, hiện đại, có sức chống chịu và khả năng hồi phục.

Hơn nữa, trong thương mại và đầu tư toàn cầu, nhiều quốc gia lớn đã có các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe hơn về môi trường, trách nhiệm xã hội tác động đến quốc gia xuất khẩu như Việt Nam.
Tôi cho rằng, tại hội nghị COP26 với cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ Việt Nam đã gửi tín hiệu rõ ràng và nhất quán trong việc giảm phát thải mạnh mẽ, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững.

– Những khó khăn, thách thức nào mà nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trong quá trình phát triển, thưa ông?

Vấn đề của Việt Nam hiện nay là tập trung quá nhiều vào những ngành kinh tế phụ thuộc lao động giá rẻ; chất lượng hàng hoá sản xuất chưa cao.

Nếu muốn phát triển thành một nước có thu nhập trung bình cao hoặc thu nhập cao, Việt Nam phải nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế tiên tiến hơn, có nghĩa là chuyển sang những ngành kinh tế có giá trị cao hơn; nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam hướng đến gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, tăng trưởng xanh.

nhan-luc-1.jpg
Để phát triển thành một nước có thu nhập trung bình cao hoặc thu nhập cao, Việt Nam cần chuyển sang những ngành kinh tế có giá trị cao hơn. (Ảnh: Đào tạo nhân lực số ở Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội )

– Để gia tăng sự sẵn sàng cho cộng đồng doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, quản lý carbon, theo ông, đâu là những điều chỉnh chính sách phù hợp?

Phải khẳng định là mục tiêu đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đầy tham vọng và quá trình hiện thực hoá mục tiêu trên không dễ dàng. Tuy nhiên, chuyển đổi kinh tế xanh tạo cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong thực hiện tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình kinh tế.

Với một nước đang phát triển đi đầu chuyển đổi xanh luôn gặp khó khăn thách thức. Song bù lại, đây là cơ hội tốt để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhìn trong khu vực, một số nước như Indonesia, Malaysia đang đi nhanh trên con đường này với những cơ chế, chính sách mà Việt Nam chưa có. Do đó, Việt Nam phải đi nhanh hơn nữa để có giải pháp phù hợp. Quan trọng nhất, cần có khuôn khổ chính sách, quy định pháp luật ổn định, đảm bảo được thực thi nghiêm túc; thúc đẩy mạnh mẽ tài chính xanh và có cơ chế để cộng đồng doanh nghiệp ở các quy mô khác nhau có thể tiếp cận.

– Việt Nam cần ưu tiên cho lĩnh vực nào để đảm bảo tăng trưởng bền vững và công bằng trong bối cảnh toàn cầu thay đổi mạnh mẽ và thách thức về tự động hoá, chuyển đổi kép, thưa ông?

Khi nói về tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam cần đề cập đến chính sách bao trùm. Trong đó, tôi cho rằng, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục đào tạo để chuẩn bị nguồn lực chất lượng cao, có kỹ năng tay nghề cần thiết. Đây sẽ là yếu tố quyết định nâng cao tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của kinh tế. Hiện nay, giáo dục dạy nghề chưa liên quan nhiều đến sự phát triển của các ngành kinh tế của Việt Nam. Ngoài ra, tổng chi cho giáo dục đại học tại Việt Nam, nếu tính theo tỷ lệ GDP chưa bằng một nửa của Thái Lan và một phần ba của Malaysisa.

Chúng tôi vừa nghe báo cáo, số doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển rất thấp. Hiện nay chi cho nghiên cứu của Việt Nam mới chiếm 0,3-0,4% GDP, tỷ lệ này rất thấp trong khu vực ASEAN. Chính vì thế, Việt Nam phải đầu tư hơn cho R&D để có những bước ngoặt trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển một cách hữu hiệu trên cơ sở nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của các quốc gia đã thành công.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần xây dựng và tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đây là thời điểm Việt Nam cần có sự điều chỉnh trong cách tiếp cận kinh tế. Sau khi đã có những thay đổi, Chính phủ cần hỗ trợ nâng cao kiến thức, kỹ năng hỗ trợ kinh doanh, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn